Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM đánh giá, việc công khai thông tin danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng này là vô cùng cần thiết. Qua đó, người dân biết được dự án đang thế chấp như thế nào để nắm rõ tình trạng của tài sản đang sở hữu. Theo ông Liên, người mua nhà hình thành trong tương lai có 3 cách để yêu cầu và đòi hỏi quyền lợi của mình khi phát hiện ra dự án đang bị cầm cố ở Ngân hàng.
Người mua nhà có 3 cách để bảo vệ tài sản khi dự án bị thế chấp ngân hàng
Cách 1: Người mua nhà yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bằng chứng xác nhận đã giải chấp (rút một phần tài sản đang thế chấp tại ngân hàng) trước khi tiến hành giao dịch.
Cách 2: Nếu doanh nghiệp chưa thể giải chấp ngay lập tức vì dòng vốn tồn đọng trong dự án thì người mua nhà có quyền yêu cầu doanh nghiệp lập bản thỏa thuận về thời điểm và cách thức rút tài sản thế chấp về. Nội dung bản thỏa thuận này có ràng buộc các điều kiện cụ thể để doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng.
Cách 3: Khi mua căn hộ và đã nhận nhà nhưng chậm được cấp giấy chứng nhận và biết dự án đang thế chấp, người dân cần phản ánh ngay đến UBND phường để phường báo cáo quận. Sau đó, UBND quận sẽ làm việc với các chủ đầu tư để kịp thời xử lý sự việc.
Ông Liên cho biết, ngay cả khi chỉ mới có ý định mua nhà và chưa tiến hành giao dịch, song nếu muốn kiểm tra dự án có bị thế chấp hay không thì người dân có thể đến Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM hoặc các chi nhánh của văn phòng trên địa bàn thành phố để đề nghị cung cấp thông tin này.
Theo lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM, việc doanh nghiệp đi vay vốn, thế chấp dự án khi kinh doanh bất động sản là hoàn toàn bình thường. Nhưng vấn đề ở chỗ họ không được làm sai pháp luật, gây ảnh hưởng quyền lợi của người mua. Ví dụ như không giải chấp hoặc không rút bớt tài sản mà vẫn bán nhà cho khách hàng.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát tình trạng thế chấp của các dự án và cập nhật thêm tình trạng đã tiến hành giải chấp để người dân nắm rõ thông tin.