Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7 - huyện Nhà Bè) thường xuyên quá tải xe cộ
do chung cư dày đặc. Ảnh: Hoàng Hùng
Lời hứa, “qua cầu gió bay”
Vòng xoay Công trường Dân Chủ (tiếp giáp quận 3, quận 10) nổi tiếng ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Cách nay khoảng 3 năm, thành phố xin phép Thủ tướng được triển khai dự án cầu vượt tại nút giao thông này theo cơ chế cấp bách.
Tới nay cầu vượt vẫn nằm trên giấy, tình trạng ùn ứ hiện hữu chưa có giải pháp xử lý nhưng lại tiếp tục đối mặt với đại dự án bất động sản trổ ra đường Ba Tháng Hai, kéo dài từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến đường Cao Thắng.
Nguyên nhân là sự xuất hiện của cụm dự án Hado Centrosa Garden rộng 6,85ha (số 200 đường Ba Tháng Hai), với hơn 110 căn nhà phố và 8 tòa nhà cao 30 tầng gần 2.200 căn hộ. Cư dân dọn về ở ngày càng đông đúc, kẹt xe là nỗi ám ảnh thường xuyên nơi đây.
“Thiên đường cao ốc” đang được giới kinh doanh bất động sản đặt tên cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), dài khoảng 3km. Từ dự án cũ đưa vào vận hành cả chục năm qua, rồi đến dự án mới vừa xây dựng xong, rồi các dự án sắp xây dựng với giá bán ngót nghét 400 triệu đồng/m2 cho loại căn hộ cao cấp, nơi đây sẽ có ít nhất 30.000 căn hộ, với cả trăm ngàn người sinh sống. Dân số có thể tăng hơn rất nhiều khi những khu đất quy hoạch trung tâm thương mại sẽ biến thành officetel, thu hút dân văn phòng đến làm việc.
Dự án căn hộ tăng đột biến, làm cho dân số của quận Bình Thạnh tăng vọt lên ngưỡng 500.000 dân từ cách nay vài năm, bằng dân số theo quy hoạch của quận này vào năm 2020! Cư dân từng nghe lời hứa của chủ đầu tư, sẽ “ủng hộ” cho thành phố 1.000 tỷ đồng để mở rộng đường Ung Văn Khiêm, nhằm giảm áp lực ùn tắc giao thông nơi đây. Lời hứa gió bay, tiền ủng hộ không thấy đâu, đường vẫn như cũ, giờ đây dự án lại chiếm mặt sông Sài Gòn rộng 50m, dài hàng kilômét để làm công viên phục vụ cư dân nơi đây. Đương nhiên, khu vực này trở nên ùn ứ kinh khủng vào giờ cao điểm!
Soi kỹ từng dự án cao ốc
Nghịch lý này đã và đang tồn tại, dường như trở thành căn bệnh mãn tính của đô thị thành phố. Nội thành cũng như ngoại thành, trong nhiều năm qua thành phố hầu như không có tuyến đường nào được mở rộng (chỉ trừ nút giao thông Mỹ Thủy hoàn thành vào năm 2018), cũng chẳng có tuyến đường mới, nhưng cao ốc thì mọc lên vô số.
Cửa ngõ Nam Sài Gòn, đường Nguyễn Hữu Thọ - trục đường chính nối quận 7 và huyện Nhà Bè - cũng là “điểm đen” kẹt xe, với hàng chục ngàn căn hộ chung cư hình thành. Quận 4, trục đường Bến Vân Đồn chỉ dài khoảng 3km nhưng hiện đã có 12 chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại với hàng chục ngàn căn hộ.
Các cao ốc bên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè. Ảnh: Cao Thăng
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đường Phổ Quang (quận Tân Bình) dài chưa tới 2km nhưng có cả chục cao ốc. Xung quanh đó, đường Hoàng Minh Giám, đường Hồng Hà còn có hàng loạt dự án cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư xuất hiện… Nói chung, bất kể nơi nào còn đất trống, phù hợp với quy hoạch, cao ốc sẽ mọc lên!
Vấn nạn cao ốc gây kẹt xe đã từng làm nóng nghị trường. Cách nay gần 3 năm, tại phiên chất vấn kỳ họp cuối năm 2016 của HĐND TP.HCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng, đặc biệt là trung tâm thương mại tại nội đô, có hay không tính tới việc kẹt xe, ùn tắc.
Trả lời của giám đốc Sở Xây dựng khi đó, mặc dù không thỏa mãn, nhưng đã nêu được nguyên nhân chính: “Bất cập là các dự án nhà cao tầng hiện nay ở TP.HCM lại đi trước các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật như chưa mở đường, chưa có hệ thống kỹ thuật…”.
2 năm qua, thị trường địa ốc TP.HCM khó khăn, đặc biệt là thủ tục phê duyệt nhà ở, xử lý đất công kéo dài, nên số lượng cao ốc hình thành giảm dần; điều này được xem như “may mắn” vì giảm bớt áp lực giao thông. Tất nhiên, nguyên nhân chính là do sự kiên quyết chỉ đạo của UBND TP, không cấp phép xây dựng đối với các cao ốc, công trình tập trung đông người trên một số trục đường, một số khu vực chưa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Đặc biệt, mới đây Ban An toàn giao thông TP cho biết đã có văn bản góp ý đối với các chủ đầu tư của 32 dự án nhà ở, thương mại dịch vụ, yêu cầu phải phối hợp với các đơn vị liên quan để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, lập báo cáo đánh giá tác động giao thông để có phương án phân kỳ đầu tư hoặc điều chỉnh quy mô phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông khu vực. Công bằng mà nói, cách làm này là tích cực, đòi hỏi đồng bộ theo quy hoạch, giảm thiểu sự lệch pha trong cán cân phát triển đô thị.
Về hướng xử lý đối với những tuyến đường đã có nhiều cao ốc mọc lên trước đây, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thành phố cần phải đẩy mạnh tốc độ đầu tư hạ tầng giao thông theo dự án đã được duyệt như sớm hoàn thành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nhanh chóng khởi công xây dựng các công trình tháo gỡ nút thắt giao thông như tuyến đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu vượt Nguyễn Khoái nối quận 4 vào quận 1, kết nối các tuyến đường vành đai…
Lương Thiện
(Theo Sài Gòn Giải phóng Online)