Giàu lên nhanh chóng nhờ đất
Việc bỗng nhiên đổi đời, giàu lên chỉ sau một đêm trong các cơn sốt đất là thực tế đã nhìn thấy, điển hình như trong các cơn sốt đất nền năm 2019. Chẳng hạn, ông Lê Duẩn (45 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) được nhiều người nhận xét là có “số đỏ” khi lướt sóng thành công hàng chục lô đất, thu về hàng chục tỷ đồng. Khi thị trường nơi nào đó xuất hiện tin tốt về hạ tầng, quy hoạch..., ông Duẩn không chần chừ mà lập tức tìm mảnh đất đẹp để mua. Những tài sản mà ông đang có hiện nay gồm 3 ngôi nhà cho thuê ở Hà Nội, 4 mảnh đất rải rác ở các quận, huyện đều là mua bằng khoản lời thu về qua các lần lướt sóng.
Ông Duẩn cho biết, trước năm 2019, thời gian sốt đất trung bình là 1-3 tháng, có thể lên tới 1 năm nhưng sau năm 2019, cơn sốt chỉ tính theo ngày.
Cũng giàu lên nhờ đất nhưng không thông qua hình thức lướt sóng, anh Thắng (TP.HCM) kể lại, cuối năm 2014, khi nhiều người vẫn muốn mua đất Sài Gòn thì anh bỏ ra 1 tỷ đồng mua 4.000m2 đất nông nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đến đầu năm 2020, khi nhiều dự án hạ tầng tại Đồng Nai đã, đang và có kế hoạch triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái..., giá đất tại đây tăng chóng mặt. Giá đất ruộng 1.000m2 cũng ở mức 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Sau 6 năm, anh Thắng thu lãi gần gấp 4 lần.
Nhờ đầu tư bất động sản, không ít người giàu lên chỉ sau một đêm nhưng cũng có nhiều người phải tán gia bại sản. Ảnh minh họa
Đưa ra lời khuyên cho những nhà đầu tư bất động sản, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, bất động sản đi theo một quy luật, 10 năm tăng gấp 3 lần. Do đó, nhà đầu tư bỏ vốn vào bất động sản cần phải xác định là đầu tư dài hạn và bài bản chứ không phải theo phong trào. Riêng trong năm 2020, 2021, cơ hội lướt sóng được cho là không còn, ngay cả với đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư nếu muốn tham gia cũng cần phải cân nhắc.
Tiền mất, tật mang cũng vì đất
Ngoài những người sớm trở thành đại gia nhờ buôn bán nhà đất như ông Duẩn, anh Thắng cũng có không ít người tán gia, bại sản vì đất. Chỉ tính riêng một số dự án ma bị cơ quan chức năng phanh phui, số nạn nhân mất tiền đã lên đến con số hàng nghìn.
Là nạn nhân của công ty Alibaba, anh Lê Văn V. kể lại, sau khi cưới nhau, hai vợ chồng anh được bố mẹ mua cho một căn nhà nhỏ. Giữa năm 2018, được bạn giới thiệu về dự án của Alibaba, anh V. tìm hiểu qua trên mạng, sau đó tham gia các buổi diễn thuyết của công ty này. Về nhà, anh V. bàn với vợ mang sổ đỏ nhà đi thế chấp để lấy tiền mang đi đầu tư. Sau 3 tháng, phía Alibaba cam kết với anh V. sẽ trả cam kết lợi nhuận 1 lần nên anh V. đầu tư thêm một mảnh đất khác. Sau đó chưa kịp nhận lợi nhuận lần 2 thì công ty này bị phanh phui về hành vi lừa đảo. Anh V. đã đóng cho công ty này 1,2 tỷ đồng. Làm công nhân, cuộc sống vốn đã không quá dư dả lại phải cõng thêm khoản nợ ngân hàng khiến hai vợ chồng rơi vào khốn đốn, phải nhờ họ hàng, người thân giúp đỡ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Phương cũng bị mất gần 1,3 tỷ đồng khi mua lô đất rộng hơn 50m2 của một dự án ma tại phường Tân Tạo của Công ty Angel Lina. Sau khi đóng tiền và phát hiện lô đất mình mua là hồ điều tiết, không được cấp sổ, chị Phương đến trụ sở công ty để đòi lại tiền thì bị một nhóm người xăm trổ đe dọa.
Bên cạnh việc những người có túi tiền rủng rỉnh đi gom mua, đầu tư nhà đất thì ngay cả người không mấy dư dả cố vay mượn tiền để mua nhà đất giờ đây cũng không còn là chuyện lạ. Một trong những nguyên nhân cũng bởi người Việt có quan niệm phải có tấc đất cắm dùi, chỉ có người sinh thêm chứ đất không tự sinh ra. Người giàu tăng số bất động sản mình sở hữu với mục đích sinh lời, để tiền đẻ ra tiền. Trong khi đó những người thu nhập thấp hơn lại cố xoay sở mua nhà đất để an cư hoặc hy vọng đổi đời. Quan niệm này, câu hỏi "Đi làm bao năm đã mua được nhà chưa?" dường như vô tình đã trở thành áp lực, nhiều trường hợp éo le cũng xuất hiện từ đây.
Không riêng người mua để ở, với những nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mới tham gia thị trường với suy nghĩ mua đất không bao giờ lỗ, chuyên gia bất động sản Đinh Thế Hiển từng đưa ra lời khuyên rằng nhà đầu tư thiếu chuyên môn, thiếu tiền nên chấp nhận mình là người khờ, nghe ngóng thật nhiều thông tin từ nhiều phía. Một số "bí kíp" mà người mua cần trang bị để tránh "tiền mất tật mang" như: Nghiên cứu kỹ pháp lý dự án, kiểm tra thế chấp ngân hàng, chọn chủ đầu tư uy tín, khảo sát thực tế dự án, không quá tin quảng cáo, kiểm tra kỹ hợp đồng giao dịch, đàm phán điều khoản bất lợi...
Khánh Trang
thanhnienviet.vn