Hỗ trợ đăng tin: 0867.047.555 | 0236.28.28.147 | Email: nhadatviet247.net@gmail.com | Skype: nhadatviet247
+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google
Loạn thông tin truyền thông bất động sản
Cập nhật: 02:14 21/06/2016

Thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục và bùng nổ, vì thế truyền thông BĐS cũng được dịp "trăm hoa đua nở" với đầy đủ mặt tốt, xấu. Đặc biệt là sự bùng nổ thông tin BĐS trên các kênh truyền thông phi chính thống đang khiến chính các doanh nghiệp, chủ đầu tư “đau đầu”, còn người tiêu dùng bị lạc vào ma trận thông tin thiếu tính xác thực.

Ma trận thông tin phi chính thống

Mới đây, tại cuộc mở bán đất nền một dự án ở phía Tây Hà Nội, trong khi chủ đầu tư cũng chưa công bố chính thức, báo chí chính thống chưa có một dòng giới thiệu về lễ mở bán, thì tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội (có diễn đàn với cả trăm nghìn thành viên), đã có thông tin mở bán, rồi tiền chênh mỗi suất được thành viên đưa tin và bình luận với tần suất dày đặc.

Các thông tin phi chính thống này trên mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt và rất khó kiểm chứng. Nhưng vì các thông tin tràn ngập trên mạng xã hội nên không ít người tin là thật. Do đó, sau khi tiếp cận thông tin trên các diễn đàn và đi mua sản phẩm, song không mua được sản phẩm từ chủ đầu tư vì hết hàng, thậm chí có khách hàng đành chấp nhận bỏ thêm hàng trăm triệu đồng để mua lại sản phẩm từ nhà đầu tư thứ cấp, mặc dù vài ngày sau đó chủ dự án mở bán thêm đợt mới.

Đây chỉ là một dẫn chứng cụ thể, còn trên thị trường, dự án nào sắp mở bán và đang mở bán, thông tin trên các kênh truyền thông phi chính thống cũng chiếm thế thượng phong so với các thông tin ít ỏi trên kênh truyền thông báo chí chính thống.

Tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác, các hoạt động truyền thông mua bán BĐS hiện nay bị tác động không nhỏ bởi các loại hình truyền thông phi chính thống, nhất là các diễn đàn mạng xã hội, trang tin điện tử, trang rao vặt, tin nhắn rác điện thoại và cả các dạng banner đường phố...

Cuộc chiến truyền thông khốc liệt hơn khi có nhiều doanh nghiệp, dự án chọn cùng lúc vài đơn vị phân phối, mà doanh nghiệp nào cũng đẩy mạnh truyền thông, đặc biệt là truyền thông trên các diễn đàn, trang tin phi chính thống để lôi kéo khách hàng tìm đến đơn vị mình.

Việc các doanh nghiệp truyền thông bán hàng “nhanh như chảo chớp” cũng khiến chủ đầu tư nhiều phen hú vía. Vì thông tin bản thân đơn vị phân phối đưa ra nhiều khi cũng không nguyên bản, chưa chuẩn xác hoặc chưa được kiểm chứng hay xác nhận từ chủ đầu tư.

Câu chuyện một đơn vị phân phối tại Hà Nội vừa qua bị chủ đầu tư phạt hàng trăm triệu động vì “cầm đèn chạy trước ôtô”, truyền thông mà không có sự phối hợp với doanh nghiệp là một ví dụ điển hình, một bài học xương máu, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng biết sợ.

Tham dự một buổi đào tạo về quảng cáo và bán BĐS tại một đơn vị phân phối mới đây, PV không khỏi giật mình khi người thuyết trình áp ra chỉ tiêu mỗi ngày, mỗi nhân viên phải đăng tin lên vài chục diễn đàn và mạng xã hội khác nhau. Người này cũng hướng dẫn cách đăng tin trên các trang tin, diễn đàn, để người mua nhà thấy hấp dẫn phải gọi điện ngay cho nhà môi giới để hỏi mua nhà, cho dù thông tin đưa lên các diễn đàn chưa hẳn đã là sự thật.

Loạn truyền thông bất động sản
Các diễn đàn mạng xã hội, trang tin điện tử, trang rao vặt, tin nhắn điện thoại,
banner đường phố... đang “làm loạn” thông tin thị trường BĐS

Theo chia sẻ của một đại diện đơn vị phân phối lớn, do sản phẩm BĐS là hàng hóa đặc thù nên người mua nhà ai cũng muốn nhìn trực tiếp, cảm nhận trực tiếp và được tư vấn trực tiếp trước khi mua. Tuy nhiên, để tiếp cận được khách hàng này thì đơn vị bán hàng phải quảng cáo giật gân. Mà việc quảng cáo giật gân thường rất khó thực hiện trên báo chí chính thống, ngược lại đối với các kênh phi chính thống thì đây là việc đơn giản, lại tiếp cận tới nhiều người hơn với mức phí không quá lớn.

Vị đại diện này cho rằng, việc làm truyền thông bán hàng có thể khiến nhiều người không có nhu cầu mua nhà phải rầu lòng vì cảm giác bị làm phiền, khủng bố. Thế nhưng, ngay cả đơn vị phân phối cũng không thể kiểm soát được hoạt động truyền thông cũng như đối tượng tiếp cận là người có nhu cầu thực sự hay không, vì đối tượng truyền thông lại do đơn vị cung cấp dịch vụ khác thực hiện.

Giành giật thị phần báo chí

Khi thị trường BĐS bùng nổ, doanh nghiệp địa ốc và đơn vị phân phối thường phải chi đậm cho hoạt động truyền thông để duy trì cỗ máy bán hàng và đà tăng trưởng, song dòng tiền doanh nghiệp chi cho hoạt động truyền thông trên các kênh báo chí chính thống lại không đáng kể.

Mới đây, đại diện một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội đã “kêu trời” vì doanh nghiệp này chấp nhận chi cả tỷ đồng cho đơn vị phân phối làm truyền thông, tuy nhiên thương hiệu của chủ đầu tư không được hưởng lợi. Vì đơn vị bán hàng không quảng cáo nhiều về dự án cũng như chủ đầu tư trên các báo chí chính thống mà chỉ chú tâm vào quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội và tin nhắn điện thoại.

Câu chuyện này không phải là trường hợp cá biệt. Thành viên điều hành một trang tin tài chính - chứng khoán (không phải cơ quan báo chí chính thống) cho biết, sự bùng nổ của thị trường BĐS khiến doanh thu của trang tin này trong 2 năm trở lại đây tăng cao, trong đó trên 70% doanh thu đến từ quảng cáo bán BĐS.

Quản trị của một trang tin tức BĐS không mấy tiếng tăm cũng khoe về sự bùng nổ của thị trường địa ốc khiến nhiều doanh nghiệp tìm đến trang tin này quảng cáo để “phủ sóng” toàn bộ những kênh thông tin BĐS mà người quan tâm đến BĐS có thể hiện diện.

Đại diện một đơn vị phân phối tại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp BĐS hiện nay có xu hướng “giao khoán” hoạt động truyền thông dự án và truyền thông bán hàng cho đơn vị phân phối. Đến lượt các đơn vị phân phối, họ thường thực dụng hơn, vì muốn tiếp cận đến số đông phục vụ việc bán hàng nên hầu hết chọn truyền thông qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại, các trang tin có lượng truy cập lớn, trong khi rất ít báo điện tử chính thống đáp ứng được yêu cầu.

Hơn nữa, đăng thông tin trên các kênh này dễ dàng đưa những thông tin “không nhất thiết là sự thật” - điều mà không được phép thực hiện trên báo chí chính thống.

Có một thực tế là, hệ thống báo chí chính thống tại Việt Nam, đặc biệt là các báo kinh tế gặp khó khăn về tài chính trong những năm gần đây. Nhiều tờ báo phải giảm số lượng phát hành, đình chỉ xuất bản. Do đó, sự hồi phục của thị trường BĐS được nhiều tờ báo kỳ vọng sẽ là “cứu cánh” và góp phần giúp tờ báo hồi sinh. Nhiều tờ báo đã ra thêm phụ trương BĐS, hoặc mở thêm chuyên trang, chuyên mục bất động sản. Tuy nhiên, thị phần quảng cáo BĐS của báo chí chính thống vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, khi mà các tờ báo chính thống không thể chạy đua với các trang tin về tin tức nhảm nhí, giật gân để câu view, câu hit và câu quảng cáo.

(Theo Đầu tư chứng khoán)
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng