Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, trong nửa đầu năm 2019, TP.HCM có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Đồng thời, có thêm 137 lượt dự án với tổng vốn đăng ký thêm 285 triệu USD. Ngoài ra, còn có 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 2,27 tỉ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ.
Vốn FDI vẫn đổ mạnh vào thị trường bất động sản TP.HCM trong nửa đầu năm
Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI vào TP.HCM đạt hơn 3 tỉ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới. Tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; ngành thương nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 136 dự án, vốn đầu tư 115,2 triệu USD, chiếm 21,8%. Sau đó mới đến các lĩnh vực khác như thương nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo. Các nhà đầu tư đến từ British Virgin Islands có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 9 dự án, vốn là 163,3 triệu USD. Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Bên cạnh những dự án được cấp phép mới, trong nửa đầu năm, TP.HCM cũng có 73 dự án chuyển đi tỉnh, thành khác, giải thể và rút phép trước thời hạn với tổng vốn đầu tư 77,2 triệu USD. Số dự án còn hiệu lực hoạt động đến ngày 20/6 trên địa bàn thành phố là 8.568 dự án với tổng vốn đầu tư 45,63 tỷ USD.
Lý giải vấn đề vì sao vốn ngoại đổ vào TP.HCM đứng đầu các lĩnh vực nhưng số lượng dự án lại sụt giảm mạnh, nguồn cung suy giảm, lãnh đạo Cục Thống kê TP.HCM cho rằng bất động sản là lĩnh vực đặc thù, từ khi đăng ký cấp phép, được cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án cần nhiều thời gian, thậm chí vài năm… Do đó, việc vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản TP.HCM cần độ trễ để triển khai thành dự án và không có mâu thuẫn với tình hình thực tế là quy mô, nguồn cung sụt giảm trên thị trường này.
Phương Uyên