Trên tấm danh thiếp dùng để giao dịch với khách hàng, đối tác, chức danh của anh Chung là giám đốc sàn. Tuy nhiên, anh Chung không đăng ký kinh doanh, không có nhân sự thường xuyên mà sử dụng cộng tác viên. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới địa ốc.
Sàn bất động sản của anh cũng không có trụ sở riêng mà gắn biển chung với một cửa hàng bán đồ thời trang trẻ em. Thời gian chủ yếu anh ngồi "làm việc", tiếp khách ở các quán cà phê.
Tự nhận là giám đốc sàn bất động sản, song thực tế anh Chung vẫn đi cộng tác với các đại lý phân phối để bán hàng. "Giới thiệu là giám đốc sàn thì đi làm việc với khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư vấn dễ tư vấn vì được họ tin hơn", anh Chung lý giải.
Sự kiện mở bán một dự án bất động sản có rất nhiều môi giới tham gia. Ảnh: Vũ Lê
Trong khi đó, một số môi giới bất động sản lại đóng nhiều vai khi làm việc, tư vấn với đối tác, khách hàng. Nếu gặp khách mua bất động sản thổ cư, nhà phố, anh Trường đưa tấm danh thiếp giám đốc sàn. Còn nếu gặp khách mua căn hộ chung cư, anh đưa tấm danh thiếp giới thiệu mình là trưởng nhóm kinh doanh của một sàn bất động sản lớn, đang phân phối dự án đó. Ngoài 2 nơi này, anh Trường còn cộng tác với vài sàn khác. Với mỗi nhóm khách hàng, anh lại "linh hoạt" sử dụng các chức danh khác nhau để giao dịch.
"Có những người tự nhận là giám đốc sàn nhưng cùng lúc cũng cộng tác với 2-3 sàn khác bất động sản làm nhiễu loạn thị trường", đại diện CenGroup chia sẻ.
Tình trạng nở rộ các "giám đốc sàn tự phong" cũng khiến nhiều sàn bất động sản lớn đau đầu. Ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh Miền Bắc cho biết, tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho các sàn lớn trong việc quản lý thương hiệu doanh nghiệp mà còn khiến người mua như bị lạc trong "mê hồn trận".
"Việc họ sử dụng thương hiệu của chúng tôi bán các dự án không phải của Đất Xanh miền Bắc phân phối có thể gây rủi ro lớn. Nếu dự án đó gặp vấn đề gì, chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng", ông Quyết nói, đồng thời cho biết từng có trường hợp này xảy ra. Doanh nghiệp này cũng liên tục nâng cấp hệ thống quản lý nhân viên môi giới, công khai thông tin trên website để khách hàng biết dự án nào do đơn vị này phân phối, song cũng khó để đảm bảo sự tuyệt đối.
Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, song chỉ 10% có chứng chỉ nghề, một tỷ lệ rất thấp. Đó là chưa kể năng lực hành nghề của những người có chứng chỉ cũng còn nhiều vấn đề. Ngoài ra, tình trạng tự nhận là giám đốc các sàn bất động sản theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký VARS cũng diễn ra rất phổ biến.
Thực tế này đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản, rủi ro cho người mua. "Sự thiếu nghiêm túc, làm ăn chộp giật trong hoạt động môi giới là mầm mống, nguy cơ dẫn đến tình trạng thổi giá, lừa đảo và những biến động bất thường của thị trường bất động sản", ông Đính nhận định.
Tuy nhiên, theo ông, việc quản lý hoạt động này hiện chưa đầy đủ khung pháp lý, người mua nhà cũng chưa có góc nhìn đúng đắn về vai trò của môi giới dễ dẫn đến tình trạng tự phát, tự phong nở rộ.
Nguyễn Hà