Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã đưa ra 6 giải pháp để phát triển lành mạnh thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian tới bởi đây cũng là mục tiêu Chính phủ yêu cầu.
Trước tiên là minh bạch hoá thông tin và tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn, cho đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực này; nghiên cứu và có một số cơ chế chính sách mới cho thị trường BĐS; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong quản lý BĐS như: dành quỹ đất, đôn đốc các địa phương xây dựng các chương trình phát triển nhà ở xã hội, có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục.
Tiếp đó, đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng chính là giải pháp cơ bản để giải quyết lệch pha cung cầu, huy động được nguồn lực từ người dân, kích thích các ngành sản xuất khác; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra về thị trường nhưng không được cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, hạn chế tiến tới chấm dứt hoạt động chồng chéo của hoạt động thanh tra - Bộ trưởng nhấn mạnh; thực hiện tốt các quy định về đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia thị trường BĐS.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường BĐS đã có những chuyển động tích cực, phát triển ổn định. Chính sách mới về BĐS đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào cuộc sống. Những doanh nghiệp lớn vẫn đang dẫn đầu xu hướng thị trường.
Nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như cơ cấu hàng hóa trên thị trường mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp. Hiện nay, việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại, phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển; năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính, quản lý, triển khai dự án; thông tin thị trường chưa thực sự đầy đủ, hệ thống và toàn diện;...
Hiệp hội Bất động sản đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ, Sở Xây dựng địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường BĐS đã được ban hành để nâng cao hiểu biết về pháp luật trong bộ máy quản lý cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp BĐS.
Cần phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Ảnh: TTXVN |
Ngoài ra, để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Hiệp hội cũng đề nghị Bộ ban hành các quy định việc soát xét thủ tục trước khi bán đối với nhà ở hình thành trong tương lai và có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định của luật.
Đối với việc bán nhà ở cho người nước ngoài, Bộ chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể về thủ tục cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam, thủ tục chuyển tiền vào hoặc chuyển tiền ra khi mua bán BĐS, cũng như quy định cụ thể các khu vực hạn chế mua bán BĐS vì an ninh, lợi ích quốc gia.
Ông Nguyễn Trần Nam dẫn chứng ở Thái Lan, Mỹ,... nếu có sở hữu nhà ở sẽ được cấp thẻ xanh. Vì vậy, Bộ Xây dựng nên chủ động để cải thiện vấn đề visa, chuyển tiền vào để mua và chuyển tiền ra khi có lợi nhuận từ kinh doanh BĐS.
Việc có các quy định hướng dẫn cụ thể này tạo điều kiện cho thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh và thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như chuẩn hóa đối với hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đồng thời, Hiệp hội cũng mong muốn phối hợp với các cơ quan của Bộ, Sở Xây dựng địa phương trong hoạt động thu thập và tổng hợp thông tin dữ liệu thị trường BĐS hàng tháng.
Căn cứ vào đó thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin một cách hệ thống để cung cấp thường xuyên phục vụ công tác quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhu cầu thông tin của thị trường, nhằm giúp các chủ đầu tư có cơ sở định hướng hoạt động đầu tư chuẩn xác, tạo cơ sở dữ liệu để nghiên cứu điều hành và phát triển thị trường BĐS Việt Nam một cách chủ động, hiệu quả.
Vấn đề nhà ở xã hội thu hút được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp tại buổi làm việc. Hiệp hội Bất động sản cũng nhận xét rằng, nhiều địa phương chưa nghiêm túc trong chuẩn bị quỹ đất, kế hoạch cho nhà ở xã hội, các dự án không thực hiện quy định quỹ đất 20% cho nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội. Tốc độ xây dựng nhà ở xã hội đang chậm lại.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị thành lập thí điểm quỹ đầu tư BĐS, thành lập thể chế ngoài ngân hàng để tạo lập nguồn vốn lâu dài cho thị trường BĐS.
Theo kiến nghị của ông Tạ Văn Tố, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn CEO, hiện có quá nhiều thủ tục, trong đó có xác định giá bán hai lần (xác định tạm tính để làm cơ sở kinh doanh và giá quyết toán sau khi hoàn thành dự án làm cơ sở để thực hiện các thủ tục tiếp theo, sổ đỏ cho khách hàng). Đồng thời, trong dự án có một số diện tích kinh doanh thương mại nhưng chưa có hướng dẫn để làm sổ đỏ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc GP Invess cho hay, theo quy định, các chủ đầu tư dự án phát triển dự án đầu tư phát triển đô thị, nhà ở thương mại, không phân biệt quy mô diện tích đất phải dành 20% tổng diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Nhưng với quy định như trên, bên cạnh việc giá đất dự án nhà nước đang thu theo giá thị trường thì 1m2 đất sẽ còn phải tính thêm 20% nữa để xây dựng nhà ở xã hội, tính ra giá thành 1m2 đất sẽ bị đẩy lên rất cao.
Hơn nữa, việc cải tạo chung cư cũ đang rất chậm nhưng khi làm cần phải thỏa thuận tùy theo quy mô công trình xây dựng, tầng cao, có sườn khung để doanh nghiệp có thể đàm phán.
Hiện tại, TP. Hà Nội có chủ trương cho một doanh nghiệp làm cả khu, như vậy không có tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nên chăng chỉ giao cho mỗi đơn vị thực hiện dự án từ 2ha trở xuống để có tính cạnh tranh và phát huy hiệu quả.
Mặt khác là dù thủ tục liên quan đến Bộ, thành phố cũng phải giải quyết theo thời gian nhưng doanh nghiệp sợ nhất là vấp phải cấp phường, cấp quận, bởi rất lòng vòng và không biết đâu mà gỡ.