Chịu thiệt vẫn không được cấp sổ đỏ
Theo phản ánh của các hộ dân ở khu phố 7, phường Quảng Thắng, hàng chục năm qua họ đã đội đơn đi gõ cửa kiến nghị chính quyền các cấp, các ngành xem xét cấp sổ đỏ để họ có cuộc sống ổn định, lâu dài. Nhưng dù họ cố gắng bao nhiêu thì vẫn chỉ nhận được câu trả lời “đang xem xét giải quyết”.
Theo ông Đinh Trọng Quyết (63 tuổi, trú tại khu phố 7), trước đây ông là công nhân Nhà máy Xi măng 3/2, sau khi nhà máy giải thể, đất được bàn giao lại cho xã Quảng Thắng để quy hoạch khu tái định cư làng nghề chế tác đá. Tháng 8/1993, khi chính quyền xã tiến hành bán đất, ông mua một mảnh diện tích 200m2 với giá 2,5 triệu đồng. Ông Quyết cho hay: "Gia đình ông đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với xã nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ. Năm 2007, xã Quảng Thắng yêu cầu các hộ nộp thêm tiền đất do trượt giá. Chúng tôi gồm 9 hộ chấp nhận đóng tổng số tiền là 58 triệu đồng và diện tích giảm đi một nửa (100m2/hộ). Dù đã chấp nhận thiệt thòi nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ”.
Các hộ dân khu phố 7, phường Quảng Thắng mòn mỏi chờ đợi sổ đỏ hơn 20 năm qua |
Còn ông Nguyễn Viết Thuyên (67 tuổi) cho hay, năm 1993, ông và 8 hộ dân khác mua đất mặt bằng quy hoạch tái định cư ở làng nghề và có biên lai nộp tiền đầy đủ. Năm 2007, xã thông báo bán đất cho 38 hộ dân khác và yêu cầu 9 hộ dân này nộp thêm tiền chênh lệch giá. Mặc dù thiệt thòi nhưng các hộ dân đều đồng ý. Đến nay, đã có khoảng 20 hộ hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn chưa nhận được sổ đỏ. Do không có sổ đỏ nên các hộ dân có muốn kinh doanh buôn bán cũng khó vì không thể thế chấp vay tiền ngân hàng hoặc việc sang nhượng cho con cái sau này cũng gặp khó khăn.
Ngoài ông Quyết và ông Thuyên, hàng chục hộ dân khác ở khu phố 7 đều lâm vào tình cảnh tương tự.
Ông Vũ Bá Minh, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND TP. Thanh Hóa) cho hay, phòng đã yêu cầu phường Quảng Thắng xác minh và báo cáo có hay không việc đầu tư xây dựng cơ bản trước kia. Nếu có thì UBND thành phố sẽ cấp bù số tiền xã đã chi sai. Vừa qua, UBND phường Quảng Thắng đã báo cáo và đề nghị UBND thành phố hỗ trợ số tiền hơn 1,2 tỷ đồng do phường đã chi sai trước đó để nộp vào ngân sách theo quy định.
Xã thu tiền nhưng không nộp ngân sách
Được biết, từ năm 1993, ban đầu chỉ có 9 hộ dân mua đất và nộp tiền cho xã Quảng Thắng. Năm 2017, thực hiện phương án GPMB dự án làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, các hộ dân có đất trong khu quy hoạch buộc phải di dời đến khu tái định cư có thu tiền sử dụng đất. Lúc này, có 38 hộ dân bị ảnh hưởng đã nộp tiền cho UBND xã Quảng Thắng. Nhưng UBND xã lúc bấy giờ đã không nộp vào ngân sách Nhà nước mà thực hiện việc chi tiêu xây dựng cơ bản của địa phương. Cho đến nay, có 47 hộ dân vẫn chưa nhận được sổ đỏ.
Ông Đỗ Anh Bắc, Phó chủ tịch UBND phường Quảng Thắng xác nhận sự việc trên và lý giải nguyên nhân do trước kia xã đã thu chi sai nguyên tắc, thu tiền đất của người dân nhưng không nộp vào ngân sách mà đem chi cho xây dựng cơ bản. Do đó, đến nay các hộ dân được coi như chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và chưa được cấp sổ đỏ.
Phó chủ tịch UBND phường Quảng Thắng phân trần, sự việc xảy ra là lỗi tổng hợp, trong khi đó người dân thì nghèo, đóng tiền lắt nhắt nhiều lần. Đến thời điểm hiện tại đã có 20 hộ nộp đủ tiền, 27 hộ chưa nộp đủ. Tuy nhiên, cái khó bây giờ là Thường trực Thành ủy TP. Thanh Hóa không chấp nhận cho áp mức giá 200.000 đồng/m2 như tại thời điểm người dân mua đất mà phải cao hơn. Trong khi đó, nếu yêu cầu người dân đóng thêm thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận.