Hỗ trợ đăng tin: 0867.047.555 | 0236.28.28.147 | Email: nhadatviet247.net@gmail.com | Skype: nhadatviet247
+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google
Bị vô hiệu hóa đơn, doanh nghiệp BĐS nợ thuế khó làm ăn
Cập nhật: 10:47 19/01/2016

Ngay từ đầu năm mới dương lịch, Cơ quan Thuế Hà Nội đã tỏ ra khá quyết liệt khi công khai danh sách 139 đơn vị nợ thuế (đợt 1 năm 2016). Theo ghi nhận từ những tháng cuối năm 2015 tới nay, đã có một số lượng doanh nghiệp (chủ đầu tư dự án hoặc kinh doanh dịch vụ BĐS) bị cưỡng chế về hóa đơn.

Không những thế, danh sách các quyết định cưỡng chế hóa đơn (Cục Thuế Hà Nội) còn nêu đầy đủ và chi tiết về hàng loạt trường hợp doanh nghiệp bị nhà quản lý 'sờ gáy' do nợ nghĩa vụ thuế kéo dài hoặc quá hạn không thanh toán.

Đầu tiên, phải kể đến Công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (trụ sở tại 19 Trúc Khê, Đống Đa). Trong Quyết định phát đi ngày 6/11/2015, Cục Thuế Hà Nội nêu rõ: Áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng để thi hành Thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp (ngày 13/3/2015 của Cục Thuế Hà Nội).

Nợ thuế kéo dài, coi chừng!

Được biết, Công ty CP Đầu tư và phát triển Đô thị Sông Đà hiện đang là chủ đầu tư dự án NƠXH 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội). Đây là một trong những dự án từng ghi nhận nhiều tai tiếng trong quá trình thi công, bán hàng và an toàn công trường thời gian vừa qua. Thậm chí, dự án này còn bị những người dân sống liền sát nghi vấn về việc vượt chiều cao tầng cho phép.

Trong một cuộc trao đổi của PV với lãnh đạo doanh nghiệp cách đây ít tháng, ông Hoàng Văn Anh (Chủ tịch HĐQT – TGĐ), còn hé mở về một dự án NƠTM khá đắc địa (tại khu vực Liễu Giai) đang được đơn vị này triển khai.

Chưa biết thông tin vị này 'nổ' thật tới đâu nhưng chỉ duy việc nợ thuế tới mức bị vô hiệu hóa đơn, doanh nghiệp đã phần nào cho thấy năng lực của mình.

Bi đát hơn nữa, theo diễn biến ở công ty CP Sông Đà 12 thì doanh nghiệp mang 'họ' Sông Đà này còn 'lĩnh' quyết định cưỡng chế hóa đơn của cơ quan Thuế Hà Nội vào ngày 16/11/2015. Lý do là vì, chi nhánh công ty CP Sông Đà 12 tại Hà Nội – Xí nghiệp Sông Đà 12.11 (Phạm Hùng, Nam Từ Liêm) cũng nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt quá hạn 90 ngày kể từ ngày, hết thời gian gia hạn nộp thuế… Quyết định này được thi hành từ 18/11/2015 đến 17/11/2016.

Quay lại quá trình hoạt động trước đó của Sông Đà 12, một số ý kiến cho rằng, việc bị vô hiệu hóa đơn có khi lại là… tốt cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả khách hàng (!). Nguyên nhân là vì, chỉ duy trong năm 2015, Sông Đà 12 đã thể hiện bộ mặt thảm hại trong quá trình hoạt động. Cụ thể, vào quý III/2015, doanh thu thuần của doanh nghiệp này chỉ đạt khoảng 13 tỷ đồng (giảm mạnh khoảng 26,9% so với cùng kỳ 2014). Theo đó, doanh nghiệp tiếp tục lỗ hơn 400 triệu đồng trong quý III/2015, kéo lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 lỗ 17,5 tỷ đồng. Tháng 9/2015, doanh nghiệp ra thông báo thay đổi ngày thanh toán cổ tức năm 2011 bằng tiền mặt 3% từ 30/09/2015 sang 31/03/2016.

Một doanh nghiệp khác, do tình hình thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn nên Coma 18 cũng chưa thu xếp được vốn để trả đúng hạn. Ở dự án tiêu điểm gần như duy nhất là chung cư BMM, Hà Nội, vào năm 2013, Coma18 từng gặp không ít lình xình, khiếu nại của nhiều khách hàng đối với việc kinh doanh sản phẩm…

Ngày 18/11/2015, công ty CP Coma 18 bị cơ quan thuế thông báo cưỡng chế hóa đơn (không còn giá trị sử dụng) do nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp và hết thời gian gia hạn đóng (thời hạn thi hành "án" là từ 21/11/2015 đến 20/11/2016).

mua nhà dự án
Giữa ma trận các dự án, người mua nhà biết tin ai để chọn mặt gửi vàng?!

Cẩn trọng và đề phòng

Văn bản của cơ quan thuế có nêu rõ, Coma 18 là đơn vị có ngành nghề kinh doanh gồm các lĩnh vực thiết kế kết cấu công trình dân dụng, thiết kế quy hoạch, hoàn thiện công trình dân dụng, công nghiệp tư vấn đầu tư…

Tuy nhiên, thực tế Coma 18 còn được biết tới với hoạt động Đầu tư – xây dựng nhà ở (chung cư, liền kề, biệt thự), văn phòng làm việc… (theo giới thiệu của doanh nghiệp trên website).

Trong quý IV/2015, báo điện tử Thời báo kinh doanh từng phản ánh về dấu hiệu bất thường của Coma18 land (trực thuộc Coma 18) tại dự án chung cư cao cấp nằm ở mặt đường Lê Văn Lương. Được biết mới đây, dự án này đã được đổi tên (Times Tower) và chính thức đón 'bà mối' khá danh tiếng trên thị trường.

Nhưng ngạc nhiên là, trang web coma18land.vn (của sàn giao dịch Coma18) vẫn hiển thị thông tin: Đơn vị phân phối chính thức HACC1: Được sự tin tưởng của chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS COMA18 là đơn vị được Chủ đầu tư ủy quyền và là đơn vị duy nhất phân phối dự án HACC1 Complex Building Lê Văn Lương!?. Không hiểu, giữa Coma18Land và đơn vị phân phối chính thức mới được trao quyền, người mua nhà nên tin bên nào để 'chọn mặt gửi vàng'?!

Một trường hợp cũng đáng buồn không kém khác là Công ty CP Công trình và thương mại giao thông vận tải (trụ sở tại 69 Triều Khúc, Thanh Xuân). Cũng với lý do về nghĩa vụ thuế, công ty này – với pháp nhân là chủ đầu tư dự án Nhà ở thương mại cao tầng Diamond Blue (có vị trí cùng với địa chỉ doanh nghiệp) – chính thức bị vô hiệu hóa đơn kể từ 17/12/2015 đến 16/12/2016.

Trước đó, dự án ở con phố nhỏ Triều Khúc đã tiếp nhận thông báo thanh tra từ cơ quan quản lý với nhiều dấu hiệu bất thường về hồ sơ pháp nhân, kinh doanh bán hàng huy động vốn cũng như thi công thiếu đảm bảo.

Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thấy có kết luận công khai nào về sức khỏe doanh nghiệp cũng như tính đảm bảo của dự án này. Theo thông tin trên website của một công ty BĐS, danh tính của chủ đầu tư dự án này lại được giới thiệu khác hẳn (từng được nêu là 'chủ đầu tư thứ cấp' trong năm 2015).

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng, một khi chủ đầu tư 'thứ thiệt' bị vô hiệu hóa đơn thì ngay lập tức dự án đã được âm thầm đổi chủ để tự tìm đường… thoát hàng? Như vậy, sự cảnh giác và đề phòng của người mua nhà với dự án – chủ đầu tư liên quan (nếu có) là điều dễ hiểu.

(Theo Thời báo kinh doanh)
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng