Báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam cho hay, thị trường căn hộ hạng sang Sài Gòn đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Toàn đô thị hơn 10 triệu dân này có khoảng 159.876 căn hộ phân bố rộng khắp các quận huyện, trong khi nhà hạng sang tập trung cục bộ tại lõi quận 1, với số lượng chưa đến 400 căn, chiếm dưới 0,3% lượng sản phẩm toàn địa bàn. Hơn nữa, nguồn cung hiện hữu của phân khúc luxury cũng chỉ chiếm khoảng 15% lượng nhà tại khu trung tâm hiện hữu (2.532 căn).
CBRE công bố kết quả khảo sát chứng tỏ căn hộ hạng sang
khan hiếm nguồn cung. Ảnh chụp màn hình
Trong số gần 160.000 căn nhà chung cư phủ khắp thành phố, trục đô thị phía Đông và Nam đang so kè nhau quyết liệt, có lượng căn hộ lần lượt trên 54.100-54.200 căn hộ. Đây cũng chính là 2 thị phần nhà ở chủ lực của thị trường BĐS xuyên suốt hơn một thập niên qua. Tiếp đến là khu vực phía Bắc ghi nhận hơn 30.000 căn và sau cùng là phía Tây Tp.HCM tiệm cận 19.000 sản phẩm.
Mặc dù khẳng định Sài Gòn khan hiếm nguồn cung, nhưng CBRE Việt Nam xác nhận, số lượng căn hộ cao cấp và hạng sang trong năm 2016 có thể tăng 20% so với năm bùng nổ nguồn cung nhà ở trước đó (2015).
Đồng thời, nghiên cứu này cũng hé lộ sự khác biệt lớn của thị phần nhà ở đắt đỏ nhất Tp.HCM. Đó là các dự án hạng sang đang mở rộng quy mô từ chỗ khan hiếm với số lượng ít ỏi, từ các công trình quy mô dưới 100 căn, nay nguồn cung mới đang triển khai bắt đầu vươn đến những dự án lớn hơn, vào khoảng 200-400 căn và hứa hẹn còn có cả dự án hạng sang lên đến 1.000 căn.
Những dự án căn hộ hạng sang tại quận 1 đang có xu hướng tăng
quy mô và số lượng so với trước đây. Ảnh: Vũ Lê
Ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát nhận xét, sau gần một thập niên thị trường BĐS khủng hoảng sâu và tìm lại trạng thái hồi phục dần, khái niệm căn hộ hạng sang tại Tp.HCM đã ít nhiều thay đổi.
Cụ thể, hiện nay căn hộ hạng sang chủ yếu được thẩm định bởi vị trí, hướng nhìn đẹp, chất lượng xây dựng, thiết kế linh hoạt và tiện ích vượt trội. Một sự khác biệt lớn nhất so với trước đây là diện tích nhà đang dần nhỏ lại, chứ không nhất thiết phải rộng trên 100 m2 như thời hoàng kim của thị trường BĐS (năm 2007) kéo theo tổng sản phẩm trong mỗi dự án có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với trước đây.
Theo chuyên gia này, mặt hạn chế của việc số lượng căn hộ hạng sang diện tích nhỏ lại và nguồn cung nhiều hơn trước là độ nén ở trung tâm đô thị sẽ lớn hơn, điều đó gây áp lực lớn lên hạ tầng và đặt dấu hỏi lớn về khả năng hấp thụ. Song, mặt thuận lợi là góp phần kéo tổng giá trị của sản phẩm xuống ở mức dễ tiếp cận hơn mặc dù đơn giá mỗi m2 có thể cao hơn.
Ông Nam phân tích, trước đây phải có từ nửa triệu USD đến vài triệu USD mới dám mơ đến căn hộ hạng sang dù giá bán cao nhất chỉ ở mức 3.000-4.000 USD/m2. Tuy nhiên hiện nay với diện tích nhỏ hơn, thiết kế thông minh hơn, giá chào bán cũng đắt đỏ hơn từ 3.500-7.000 USD/m2, nhưng chỉ cần 1/3 hoặc 1/4 triệu USD đã có thể sở hữu căn hộ hạng sang mini.
Theo nhận định của ông Nam, đây là xu thế thời thượng mà nhiều quốc gia có thị trường BĐS phát triển trên thế giới đang hướng đến. Điều này cho thấy sự năng động và khả năng thích ứng cao của thị trường BĐS Tp.HCM.