Đó là thực tế đang diễn ra tại các sàn giao dịch nhà – đất khu vực vùng ven thành phố. Nhiều nhân viên kinh doanh đất nền thu nhập hàng tháng lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng cũng có không ít nhân viên chỉ nhận được lương căn bản 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Nghề môi giới BĐS “người thu nhập khủng, kẻ bèo nhèo” ( Ảnh: Nguyệt An) |
Anh Hồ Nam, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH môi giới BĐS Đất Phố (Q.2) bày tỏ: “Đất nền đang là phân khúc hấp dẫn nên nhân viên kinh doanh phải “chạy đua” vì cơ hội chỉ đến ở một thời điểm nhất định. Theo anh Nam, trung bình một sàn giao dịch BĐS phân khúc đất nền – nhà phố có khoảng 20 – 30 người nên sự cạnh tranh rất gay gắt.
Anh Nam cũng cho hay có những nhân viên “chốt” được khách liên tục, một tuần có thể bán được 6 – 10 nền. Ngược lại, có nhân viên “vất vả” cả tháng giao dịch chỉ 1 – 2 nền hoặc vài tháng mới được một nền. “Làm trong lĩnh vực này gần 5 năm nay, tôi chứng kiến không ít nhân viên kinh doanh BĐS đã “bỏ cuộc chơi”. Một phần do không có “duyên” bán hàng, phần vì áp lực cạnh tranh quá lớn, không trụ nổi”, anh Nam chia sẻ.
Sự cạnh tranh trong nghề môi giới bất động sản, ở giai đoạn nóng lên của phân khúc đất nền – nhà phố còn gắn với các “chiêu trò”, sự “đấu đá”, “giành giật” nhau để có khách hàng.
Nhân viên môi giới A dán tờ rơi, tờ bướm, stande… trên các cây cột điện để kiếm khách, chỉ 30 phút sau, có ngay nhân viên B kéo xuống, dán thông tin khác lên…là chuyện “cơm bữa” tại các dự án phân lô bán nền khu vực vùng ven. Điều đáng nói, nhân vật của những câu chuyện này thường là những nhân viên cùng làm việc tại một sàn giao dịch.
Nhiều môi giới còn sử dụng “chiêu trò” để “hốt” khách của môi giới khác. Khách của môi giới A xuống thăm quan dự án, môi giới này chưa ra kịp để tiếp thì môi giới B trực tại dự án đã “dụ” khách hàng bằng các kiểu như : “Bạn A này thân với con, cô chú có nhu cầu để con dẫn đi xem và tư vấn cho cô chú nhé!” “Bạn A hôm nay có việc đột xuất nên nhờ em tư vấn cho anh/chị. Anh chị vui lòng theo em…”. Rất nhiều trường hợp nhân viên môi giới phải “ngặm đắng” nhìn khách của mình sang tay người khác.
Lợi dụng chính sách đoàn kết, giúp đỡ nhau của sàn, nhiều nhân viên cũ âm thầm “dụ” và “câu khách” của người mới. Nhiều nhân viên mới khi có khách thường phải dẫn nhân viên cũ đi cùng, phần vì học hỏi kinh nghiệm, phần vì để “chốt” được nhanh. Thay vì tư vấn nhiệt tình, không ít nhân viên cũ tranh thủ lấy số điện thoại của khách hàng hoặc hướng khách sang một nền khác mà chính nhân viên này chào bán. Nhiều nhân viên cũ thẳng thừng với “đàn em”: “Nếu chốt được khách thì chia 30:70 (nghĩa là mới 30%, cũ hưởng 70% tiền hoa hồng – PV)”.
Sự cạnh tranh giữa các môi giới là khốc liệt và âm thầm. Ở bất cứ sàn giao dịch nào, “người thu nhập khủng, kẻ bèo nhèo” là chuyện dễ hiểu.
Theo anh Quách Hà, một nhân viên môi giới nhà đất tại Hóc Môn, việc thu nhập hàng tháng của mỗi nhân viên kinh doanh được đánh giá thông qua năng lực thực sự cộng với cái gọi là “duyên” bán hàng của mỗi người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những môi giới không bán được hàng là thiếu năng lực. “Có rất nhiều bạn đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm khách hàng nhưng giao dịch vẫn rất hạn chế. Việc bán được sản phẩm hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của khách hàng tại mỗi địa bàn”, anh Hà cho biết.
Ngoài năng lực, “cái duyên bán hàng” quyết định sự thành bại của nhân viên môi giới (Ảnh: Nguyệt An) |
Đại diện Sàn Giao dịch BĐS Nhà Việt (Q.9, Tp.HCM) cho rằng: “Sự cạnh tranh trong nghề môi giới BĐS là chuyện đương nhiên. Nếu xét ở lĩnh vực kinh doanh nói chung, một nhân viên kinh doanh giỏi, tiêu chí đánh giá đầu tiên chính là khả năng bán hàng đến đâu. Nhân viên kinh doanh nhà – đất cũng thế. Việc giao dịch sản phẩm không chỉ quyết định đến sự tồn tại của mỗi người tại công ty mà còn quyết định trực tiếp đến thu nhập mỗi cá nhân.
“Đôi khi yếu tố thị trường làm thay đổi yếu tố con người, mỗi nghề dạy chúng ta một kiểu…”, vị Trưởng phòng này trò chuyện và cho biết thêm: “Môi giới BĐS nói chung hầu hết được trang bị kiến thức cơ bản trong lĩnh vực này, vấn đề là mỗi cá nhân áp dụng phương thức bán hàng của mình như thế nào vào thực tế. Riêng về sự cạnh tranh mang tính “giành giật” khách của nhau, theo tôi là có diễn ra ở hầu hết các phân khúc BĐS hiện nay. Tuy nhiên, chưa phải là hiện tượng điển hình, nổi cộm của thị trường, có chăng chỉ âm thầm diễn ra ở một vài trường hợp tại các phân khúc đang hấp lực mạnh người mua – kẻ bán”.
(Nhịp sống thời đại)