Do tài chính giới hạn, người trẻ có xu hướng mua căn hộ chung cư hơn là mua nhà riêng. Theo phân tích của TS. Lê Minh Hoàng Long, Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng Tp.HCM, khi tìm kiếm phương án tài chính “dễ thở” hơn, khách hàng trẻ thường tìm đến các gói vay ưu đãi. Tuy nhiên hiện nay có rất ít ngân hàng đưa ra gói vay ưu đãi cho người trẻ, nếu có thì người đi vay cũng gặp muôn vàn khó khăn về thủ tục.
Anh Trần Độ, nhân viên văn phòng tại một công ty tài chính ở quận 5 cho biết, khi mua lại một căn hộ chung cư tại quận 7, anh được biết là dự án có liên kết với ngân hàng bằng gói cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, khi làm hợp đồng vay, anh gặp rất nhiều khó khăn như phải chứng minh thu nhập, hộ khẩu, bảo hiểm… Hoàn thành xong các thủ tục trên thì dự án không còn nằm trong danh sách hỗ trợ. Do đó, anh Độ không được vay ưu đãi như giới thiệu. Nhân viên ngân hàng giới thiệu một gói tín dụng mới với lãi suất cao hơn ban đầu. Vì cần vốn anh đành chấp nhận vay.
Lựa chọn các dự án có cam kết lãi suất và hỗ trợ vay vốn rõ ràng, minh bạch sẽ tránh được những rủi ro không cần thiết |
Nhiều khách hàng còn bị ngân hàng từ chối cho vay do những nguyên nhân không đáng có. Anh Nguyễn Quang Bảo (Trung Sơn, quận 7, Tp.HCM) chia sẻ, trước đây do nhu cầu mua sắm, anh có sử dụng các sản phẩm vay tín chấp tiêu dùng trả góp từ một công ty tài chính. Một số lần anh trễ thanh toán khoản trả góp tín dụng nên bị ngân hàng đưa vào nhóm khách hàng cần lưu ý. Đến khi cần vay vốn mua nhà, anh mới tá hỏa là mình thuộc diện không được phép vay. Theo giải thích từ nhân viên ngân hàng thì lịch sử tín dụng sẽ lưu vết đến 5 năm theo quy định, bất kể khoản nợ lớn hay nhỏ. Anh Bảo cho biết nếu giải quyết xong vấn đề này và tìm giải pháp vay khác thì cơ hội mua nhà của anh đã qua.
Theo TS. Lê Minh Hoàng Long, nhiều khách hàng trẻ sử dụng các hình thức tiêu dùng trả góp không hề biết, một khi họ trễ hẹn thanh toán trên 10 ngày, dù các khoản trả này không nhiều, các trung tâm tín dụng sẽ đưa họ vào nhóm khách dự nợ cần chú ý. Rất nhiều khách hàng trẻ không biết đến sự tồn tại của điểm tín dụng hoặc biết nhưng không chú ý, dẫn đến khi vay mua nhà thì bị ngân hàng từ chối. Trên thực tế, nhóm đối tượng này vẫn được phép vay vốn nhưng nếu ngân hàng cho vay thì phải trích lập thêm quỹ dự phòng rủi ro theo quy định nhà nước. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng đến nguồn vốn của mình, đa phần ngân hàng sẽ từ chối.
Một vấn đề được nhiều người mua nhà quan tâm là sự biến động về lãi suất. Hiện nay thu nhập trung bình của người trẻ thường chỉ từ 8-15 triệu/tháng, sau 4 -7 năm tích lũy, họ có thể chi trả khoảng 30% giá trị căn nhà, 70% còn lại buộc phải vay từ ngân hàng. Với lãi suất trung bình là 7%-8,5% như hiện nay, người vay sẽ phải trả lãi gốc hàng tháng từ 7-9 triệu/tháng. Thêm vào đó, mức lãi suất ưu đãi trên thường chỉ áp dụng cho thời gian đầu, một khi lãi suất thả tự do thì biên độ dao động sẽ tăng từ 3,5 - 4%, làm gánh nặng tài chính tăng lên đáng kể. Con số này vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người trẻ hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nguồn cung căn hộ trên thị trường hiện chia ra làm 4 phân khúc gồm: căn hộ cao cấp với mức giá dao động từ 34 - 42 triệu/m2, phù hợp với đối tượng mua có thu nhập từ 30 triệu/ tháng trở lên; căn hộ trung – cao cấp, mức giá tầm 25 - 33 triệu/m2, đối tượng mua có thu nhập từ 20 triệu/tháng trở lên; căn hộ trung cấp, giá bán từ 20 -25 triệu/m2, đối tượng mua có thu nhập ít nhất 15 triệu/tháng và cuối cùng là căn hộ trung bình với mức giá từ 14 -20 triệu/m2. Như vậy tùy theo mức thu nhập, người trẻ sẽ có sự lựa chọn phân khúc phù hợp cho mình.
Theo báo cáo từ Jobstreet, năm 2016, có khoảng 59,8% người mua nhà trẻ hướng đến sản phẩm căn hộ có giá từ 800 triệu -1,2 tỷ/căn, chỉ có 15,9% tìm kiếm các sản phẩm tầm 1,3 -1,5 tỷ. Như vậy, nhu cầu mua phần lớn vẫn thuộc phân khúc trung bình, trong khi các báo cáo thị trường gần đây đều cho thấy, 40% nguồn cung trên thị trường rơi vào phân khúc trung cấp, chỉ 18% nguồn cung thuộc phân khúc trung bình. Để hướng đến nguồn cầu mới của thị trường, các chủ đầu tư đã bắt đầu xoay trục chú ý nhiều hơn đến nhóm sản phẩm này. Tuy nhiên, số lượng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Bàn về giải pháp tài chính cho người mua nhà, TS Bùi Quang Tín cho rằng, các chính sách hỗ trợ của ngân hàng khi cho vay mua nhà còn rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Người mua cần cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng. Cụ thể, tính toán kỹ khi quyết định vay vốn từ ngân hàng, về nguyên tắc, các ngân hàng thường cam kết với CĐT hỗ trợ các gói lãi suất ưu đãi cho khách mua nhà. Tuy nhiên, lãi suất ưu đãi chỉ trong 1 thời gian nhất định, không quá 3 năm. Sau đó sẽ thả nổi, lãi suất sẽ tăng cao hơn. Trong quá trình tư vấn, nhiều nhân viên ngân hàng đưa ra các hứa hẹn về khuyến mãi, lãi suất vượt trội hơn các ngân hàng khác mà không tính đến biến động lãi suất, tính ổn định của công việc, các nguồn thu nhập bổ sung hay tính pháp lý của dự án. Khi ký hợp đồng, khách hàng cần chú ý các vấn đề về quyền và nghĩa vụ đôi bên, điều khoản bất khả kháng, quy định tranh chấp … để tránh chịu thiệt khi xảy ra rủi ro. Một vấn đề nữa là hiện nay nhiều ngân hàng đang áp dụng mức thu phí đối với nhu cầu trả nợ trước hạn là 1 - 5%, vì thế người mua cần lưu ý điều này để xác định mức phải trả cho ngân hàng và khả năng tài chính.
Theo ông Tín để tránh rủi ro cho khách hàng, các ngân hàng nên sử dụng nguồn vốn trung dài hạn hoặc nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để giữ mức lãi suất ổn định như nhiều ngân hàng quốc tế đang áp dụng thay vì sử dụng nguồn vốn ngắn hạn như hiện nay. Bên cạnh đó, NHNN cần có biện pháp quản lý về công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và ổn định kinh tế vĩ mô để duy trì lãi suất. Riêng người mua nhà nên tham vấn các đơn vị pháp lý trước khi quyết định vay hay ký kết hợp đồng vay vốn nào đó.
(Theo Nhịp sống thời đại)