Hỗ trợ đăng tin: 0867.047.555 | 0236.28.28.147 | Email: nhadatviet247.net@gmail.com | Skype: nhadatviet247
+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google
Người Trung Quốc gom đất gần sân bay: Dấu hiệu bất thường!
Cập nhật: 09:44 13/01/2016

Dư luận đang rất băn khoăn trước thông tin hầu hết các công ty gom đất nằm dọc sân bay quân sự Nước Mặn, Đà Nẵng đều có sự tham gia của người Trung Quốc hoặc doanh nghiệp Trung Quốc với tỷ lệ cổ phần khá lớn.

Cụ thể, câu hỏi dư luận đặt ra là tại sao lại gom một lượng đất lớn, trải dài, tập trung đông người nước ngoài tại khu vực gần sân bay quân sự?

Không bình thường

Một bạn đọc tên Lê Ngọc Hải (Tp.HCM) cho rằng đây là một sự việc không bình thường.

"Có phải vì lợi nhuận mà người Việt chấp nhận đứng tên làm chủ đầu tư, trong khi sau lưng lại là người Trung Quốc" - bạn Ngọc Hải thắc mắc.

Trong khi đó chị Nguyễn Thanh Hồng (quận Phú Nhuận) cho rằng nếu chỉ xét riêng vấn đề kinh tế thì đúng ra những khu đất chiến lược như thế này Nhà nước nên sở hữu hoàn toàn để tận dụng khai thác. “Còn nếu giả sử sau này muốn quy hoạch lại thì rõ ràng việc thu hồi cũng sẽ gặp khó khăn hơn”, chị Hồng nói.

Bạn đọc Lê Nguyễn thì đánh giá, trước khi chờ Bộ Quốc phòng vào cuộc, chính quyền Đà Nẵng cũng cần có các biện pháp mạnh với các cá nhân hoặc tập thể bán đất và cả với bên mua đất.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM, trước đây luôn có một vùng an toàn quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà dân cư không được phép sinh sống hay kinh doanh nhằm tránh những hành động có thể gây mất an toàn hàng không.

Ngoài ra, những tòa nhà nằm gần khu vực sân bay cũng bị giới hạn về độ cao để không gây ảnh hưởng đến việc cất và hạ cánh của máy bay.

mua đất trái phép
Theo cảnh báo của chính quyền Đà Nẵng, đây chính là dải đất có hiện tượng người nước núp bóng người Việt để mua đất. Ảnh: Hữu Khá

Nhiều câu hỏi đặt ra

PGS.TS Nguyện Thiện Tống nhận xét, cần phải đặt vấn đề về việc người Trung Quốc nấp sau lưng người Việt thu mua những mảnh đất ở vị trí nhạy cảm một cách có hệ thống.

“Tại sao họ lại mua đất ở gần sân bay, nhất là khi nó lại là một sân bay quân sự? Cách an toàn nhất là chính quyền địa phương nên tìm cách chuyển đổi quyền sở hữu sử dụng đất ở vị trí nhạy cảm đó lại cho Nhà nước để dễ bề kiểm soát” - ông Tống đặt vấn đề.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - cũng cho rằng vấn đề là phải xác minh thật kỹ với những người Việt hiện đang đứng tên tại những khu đất nhạy cảm đó, trường hợp cần thiết có thể thu hồi đất.

“Chính quyền địa phương cần hết sức thận trọng trong vấn đề này, đặc biệt là ở những khu vực có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia, quốc phòng” - ông Chinh nói.

Cần giám sát kỹ, không chỉ vấn đề đất đai

Liên quan đến vấn đề tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài nhờ người đứng tên sở hữu đất, chính quyền Đà Nẵng cần giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xem xét tình trạng xây dựng, đầu tư trên phần đất được giao có đúng với mục đích giao đất, thuê đất, sử dụng đất hay không? 

Ngoài ra, việc thành lập ủy ban rà soát đầu tư với chức năng kiểm soát, yêu cầu nhà đầu tư giải trình về nguồn tiền đầu tư mua đất tại Việt Nam đối với quy mô đất đai được chuyển nhượng cũng rất cần thiết.

Luật sư HÀ HẢI

Trong khi đó, Luật sư (LS) Lê Cao (Công ty luật hợp danh FDVN) cho rằng, theo Luật đất đai hiện hành thì người nước ngoài chưa có quyền đứng tên để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Trường hợp có chuyện người nước ngoài đưa tiền để nhờ một người Việt Nam nào đó mua đất giùm thì thực chất đó cũng là một loại giao dịch dân sự giả mạo.

LS Lê Cao cũng đánh giá, việc có hay không người Trung Quốc đứng sau lưng người Việt mua đất ở khu vực gần sân bay quân sự - một vị trí trọng yếu - rất cần thiết xem xét thấu đáo trên nhiều mặt, chứ không chỉ là chuyện đất đai.

Cũng theo LS Lê Cao, chúng ta hiện vẫn chỉ loay hoay tìm cách xử lý các giao dịch mua bán đất đai mà chưa quan tâm đúng mức đến quản lý ở các khía cạnh khác là rất khó. Chỉ các chủ thể tham gia các giao dịch mua bán, có quyền lợi liên quan đến các lô đất được mua mới có thể có các yêu cầu xử lý các giao dịch này ở phương diện pháp luật dân sự.

Thậm chí, nếu những cá nhân người Việt cố tình che giấu việc người Trung Quốc núp bóng mua đất thì cũng rất khó để chế tài họ.

Do đó, vấn đề quan trọng, theo ý kiến của LS Lê Cao, là liệu có thể kiểm soát được những nội dung hoạt động của những cá nhân, doanh nghiệp người nước ngoài ở khu vực này hay không. Người dân hiện không chỉ lo lắng việc người Trung Quốc mua đất ở Việt Nam mà còn quan tâm việc họ sử dụng đất vào mục đích gì.

“Cần phải giám sát kỹ xem họ đang làm gì, kinh doanh ra sao, vấn đề lưu trú có đảm bảo hay không, họ có tuân thủ pháp luật Việt Nam hay không. Chúng ta có thể đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng nhưng cũng phải đảm bảo hợp pháp cũng như các vấn đề về trật tự xã hội, an ninh quốc phòng. Tại sao họ lại gom một lượng đất lớn, trải dài và tập trung đông người nước ngoài tại khu vực gần sân bay quân sự? Đây cũng là câu hỏi cần được xem xét thấu đáo” - LS Lê Cao phân tích.

(Theo Tuổi trẻ online)
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng