Nghịch lý giá cao
Một nhân viên môi giới tên Hải cho hay, anh đang rao bán cho một chủ nhà căn hộ khu chung cư phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) với mức giá 6 tỷ đồng. Căn hộ nằm ở tầng 1,có diện tích sử dụng 75m2 nhưng trong sổ đỏ chỉ ghi hơn 45 m2, gồm 3 phòng ngủ, nằm gần hồ Giảng Võ. Nếu tính theo giá trên sổ đỏ thì mỗi mét vuông cũng ngót 150 triệu đồng, đắt hơn cả penhouse.
Tại khu vực nội đô, chung cư cũ được rao bán với giá cao ngất
Theo giới thiệu của anh Hải, đây là khu vực có dân trí cao, an ninh tốt nên rất tiện kinh doanh, lại thêm sổ đỏ chính chủ nên mức giá cao như vậy là hợp lý. Cùng khu vực nhưng những căn hộ nằm ở tầng trên có mức giá thấp hơn, tuy nhiên cũng không dưới 2 tỷ đồng. Theo các môi giới chuyên mảng chung cư cũ thì căn hộ càng nhỏ càng dễ bán, giá càng cao.
Anh Hải cũng cho biết, anh vừa bán được một căn hộ chung cư cũ ở phố Lý Nam Đế với mức giá 2,1 tỷ đồng. Căn hộ này nằm ở tầng 3 diện tích sổ đỏ chỉ 35m2 nhưng còn có thêm một phần cơi nới. Như vậy, mỗi mét vuông căn hộ chung cư cũ này cũng vào khoảng 50 triệu đồng.
Dù giá cao nhưng anh Hải cho rằng rất ít tìm được người rao bán. Các công trình nhà tập thể, hạ tầng tương đối đầy đủ, đánh trúng tâm lý “mua chỗ ở là phụ, mua tiện ích là chính” của khách hàng nên rất được ưa chuộng. Trong khi, chỉ một số khu nằm ở cuối 4 quận nội thành Hà Nội hoặc đặc biệt có không gian rộng như khu Thành Công, Giảng Võ, Nam Cao… thì mới có sức hấp dẫn các chủ đầu tư làm dự án.
Hiện tại, một số căn hộ tại khu tập thể gần 40 năm tuổi ở quận Phương Mai hoặc quận Đống Đa có tổng diện tích sử dụng 65 m2 gồm cả cơi nới cũng được rao bán với giá khoảng 3,5 tỉ đồng. Trong khi đó, một căn hộ khác có diện tích tương tự và nằm kế bên căn hộ này giá lại hạ xuống còn 2,6 tỉ đồng.
Khu vực Cầu Giấy, khu chung cư Nghĩa Tân cũng được cho là địa bàn có giá BĐS cao ngất ngưởng. Dù cơn sốt nhà chung cư cũ đã tạm lắng nhưng mức giá hiện tại ở khu vực này cũng không dưới 30 triệu đồng/m2.
Đơn cử, một căn hộ nằm ở tầng 3 khu B3 Nghĩa Tân hiện đang được rao bán với giá 1,6 tỷ đồng dù diện tích ghi nhận trên sổ đỏ chỉ có 40m2. Nếu tính theo m2 sử dụng thì căn hộ này cũng có giá khoảng 26 triệu đồng/m2, còn nếu tính theo sổ đỏ thì giá lên tới 40 triệu đồng/m2.
Nhiều dự án căn hộ cũ tại các quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Long Biên ghi nhận mặt bằng giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2. Còn lại các chung cư cũ tại các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, mức giá ít nhất phải từ 40 - 50 triệu đồng/m2, hoặc cao hơn nhiều tùy theo vị trí và nội thất mà gia chủ đã đầu tư.
Đắt vì tiện đủ đường
Còn nhớ cơn sốt nhà chung cư từng bùng nổ cách đây mấy năm. Giá bán lần lượt leo thang, có những căn hộ giá đã tăng gấp đôi, gấp ba... Nguyên nhân chính mà có lẽ đến giờ cả người sở hữu lẫn người mua đều hiểu đó là vì các chung cư này không khác gì những 'mỏ vàng' nhờ sở hữu vị trí đắc địa và được liệt vào diện được xây mới.
Ông Nguyễn Văn Vượng, một người vừa dốc túi mua căn hộ, cho hay dù nhà có chật, giá đắt thật nhưng bù lại rất thuận tiện và phù hợp cho cuộc sống hằng ngày của gia đình từ đi làm cho đến đưa đón con cái đi học.
Dù nhà xuống cấp nhưng giá vẫn không giảm
“Người sống quen trong phố dù phải ở chật chội đến mấy vẫn chịu vì họ thường ngại chuyển ra nơi xa có diện tích rộng hơn. Còn muốn mua nhà đất ở nội đô thì không đủ tiền nên chung cư cũ vẫn là sự lựa chọn số 1”, ông nói.
Giới kinh doanh nhà đất cho rằng, nhiều người dân có tiền mặt cũng nhắm tới khả năng sinh lời của loại chung cư cũ này và sẵn sàng dốc hầu bao thu gom. Đặc biệt, sự quản lý tại các khu chung cư cũ còn khá lỏng lẻo nên nhiều căn hộ vẫn có thể “cơi nới” thêm diện tích sử dụng, đây cũng là một sức hút lớn với người mua nhà.
Với những diễn biến trên, các căn hộ chung cư cũ, nhà tập thể của Hà Nội đang nằm trong diện “chờ đợi” của người sử dụng, “thu gom”... chờ cải tạo của nhà đầu tư. Trong khi đó, những người dân sống trực tiếp tại đây đang phải chịu rất nhiều bất tiện: nhà nứt, tường ẩm dột, hệ thống thoát nước thải kém, mùa hè nóng vì mô hình nhà lắp ghép, mùa đông lạnh vì khả năng giữ nhiệt kém...