Cùng một dãy trọ, diện tích như nhau trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7) nhưng những người công nhân khu chế xuất Tân Thuận lại đang phải trả mức thuê phòng khác nhau.
Chị Hà, người có “thâm niên” hơn 5 năm thuê phòng trọ tại đây chia sẻ: “Đối với những người thuê phòng lâu năm thì các chủ nhà trọ ngoài việc nâng giá theo năm cũng không dám “o ép” gì nhiều. Nhưng ở đây đã lâu, tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp công nhân mới đến bị chủ nhà “hét” giá phòng lên cao so với mặt bằng chung. Mỗi lần như vậy chủ nhà thường “căn dặn” những người thuê lâu năm như chúng tôi là phải báo giá như chủ đã “áp” cho người mới nếu được hỏi”.
Ở nhiều khu nhà trọ cho công nhân thuê, vẫn xuất hiện tình trạng “o ép” giá giữa các đối tượng thuê. Ảnh: P.N |
Những người trong cuộc càng thấm thía hơn câu chuyện này. Anh Bùi Vân, một công nhân điện tử tại khu công nghệ Sam sung (Q.9) chia sẻ với PV trong tâm trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Anh thuê phòng trọ gần chợ Trường Thạnh, P.Trường Thạnh (Q.9) với diện tích 21m2, giá thuê 2.3 triệu đồng/tháng (chưa tính điện – nước). Trong khi người bên cạnh phòng anh thuê với mức 1.8 triệu đồng/phòng/tháng cùng diện tích. Anh Vân lý giải: “Tôi chuyển đến đây đã được gần năm , Ban đầu chủ nhà trọ nói giá các phòng đều 2.3 triệu đồng/tháng. Tôi nghĩ, khu này mức giá đó là tạm chấp nhận được. Hơn nữa lại gần chỗ làm nên cũng không băn khoăn lắm. Ở một thời gian, tôi “té ngửa” khi biết có 9 phòng thì khoảng 3 phòng có mức giá từ 2.3 – 2.5 triệu đồng, còn lại là 1.8 triệu đồng (trong khi diện tích các phòng bằng nhau). Dò kỹ tôi mới hiểu chủ nhà “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Nếu thấy người thuê nào sạch sẽ, đi xe đẹp… là bắt giá thuê lên cao so với các phòng khác. Họ đâu hiểu chúng tôi chỉ là người công nhân như nhau”.
Khi được hỏi, tại sao không đề nghị trực tiếp với chủ nhà hoặc chuyển phòng trọ khác thì người công nhân này cho hay: “Tâm lý của chúng tôi là không muốn chuyển phòng liên tục, chỉ mong muốn ổn định chỗ ở để lo làm ăn. Nếu có hỏi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời từ chủ nhà là giá phòng năm nay tăng hơn năm trước.”
Khu vực Nhà Bè cũng diễn ra những câu chuyện tương tự. Khu vực này mọc lên rất nhiều nhà trọ cho công nhân, người lao động chân tay, người dân di cư từ các tỉnh miền Tây lên buôn bán… Ngoài những lo âu cho cuộc sống thường nhật thì những người công nhân này còn phải chịu “o ép” về nơi ăn – chốn ở.
Anh Minh, công nhân dệt may tại P.Bình Chánh cho biết: “Ngoài chi phí sinh hoạt hàng ngày, phí thuê phòng trọ khiến những người công nhân như chúng tôi nhiều lúc “lao đao” Hỏi ra được biết, vợ chồng anh “tay xách nách mang” một con nhỏ từ Cần Thơ lên đây làm công nhân may đã gần 3 năm. Trước đó, con đường tìm phòng trọ hợp túi tiền của gia đình anh khá gian nan. Rất nhiều lần anh chuyển phòng trọ, cốt là để tìm một nơi rẻ nhất dù không gian, theo lời anh, có thể “tệ” một chút. Với anh, bớt được đồng nào hay đồng ấy để thêm vào tiền mua sữa cho con nhỏ.
Khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện có rất nhiều công nhân bị “ép” giá thuê và phải thuê với mức giá cao hơn so với những người thuê trọ trước đó mặc dù cùng dãy trọ. Anh Minh phản ứng ngay: “Trước khi chuyển đến trọ cố định ở đây, tôi cũng gặp trường hợp tương tự tại nhà trọ thuộc khu vực đường Lâm Văn Bền (Q.7). Tôi tính thuê gần đấy để cho con tiện đi học trường tốt. Khi dẫn tôi xem phòng, chủ nhà “hét” giá 3.5 triệu đồng/phòng dù diện tích sử dụng chỉ khoảng 12m2. Do đã có kinh nghiệm tìm phòng lâu năm, tôi lân la hỏi “hàng xóm” bên cạnh về mức giá cụ thể. Hóa ra mọi người thuê chỉ 2.8 triệu đồng/phòng bằng diện tích”.
Các trường hợp kể trên chỉ là “bề nổi” của vấn đề. Theo khảo sát chung, rất nhiều khu trọ trên địa bàn Tp.HCM ngoài việc liên tục tăng giá theo năm – vấn đề muôn thuở ai cũng thấu thì sự phân biệt “nhìn mặt gửi vàng” giữa các đối tượng thuê đang là hiện tượng đáng chú ý. Ông Nguyễn Hoan, một chủ đầu tư xây nhà trọ cho công nhân thuê tại khu vực đường Trường Lưu, P. Long Trường, Q.9 cho hay: “Hiện tượng chủ nhà cho thuê giá khác nhau giữa các đối tượng thuê là có xảy ra tại một số dãy nhà trọ đã được xây dựng lâu năm. Hiện tượng này chưa nổi cộm nhưng cũng khiến nhiều công nhân dù không muốn nhưng vẫn phải “an phận” vì ngại chuyển phòng. Bên cạnh đó là những công nhân liên tục chuyển phòng vì mức giá thuê mắc hơn so với các dãy trọ lân cận”.
“Cá nhân tôi, đã có kinh nghiệm 4 năm cho công nhân thuê phòng thì luôn tâm niệm rằng để cạnh tranh với những dãy phòng trọ “mới tinh” đang có xu hướng mọc lên ngày càng nhiều thì không nên lên giá thuê. Thậm chí có những giai đoạn phải giảm giá để lấp phòng trống. Tôi hiểu đối tượng mà tôi hướng đến là công nhân, người lao động chân tay… tài chính không dư giả. Vì thế phải cân nhắc giá thuê khá kỹ”, ông Hoan giãi bày.
(Theo Nhịp sống thời đại)