Ở những khu vực đất nền đang sốt thì dịch vụ cò đất càng “sinh sôi nảy nở”. Rất nhiều trường hợp, “nhân viên môi giới” xuất thân từ những anh xe ôm, chị bán nước, bác thợ hồ… Thậm chí, trước sức hấp dẫn của hoa hồng và nhu cầu mua đất ngày càng tăng, họ bỏ hẳn nghề chính để đi bán đất. Bảng hiệu, số điện thoại của những cò đất nghiệp dư được dán nhan nhản trên cây cột điện, quán nước, bờ tường…
Anh Phú - một người bán hàng tạp hóa kiêm cò đất tại khu vực P.Dĩ An (Bình Dương) mới học hết cấp 2. Sau thời gian đi làm công nhân ở Tp.HCM, anh nghỉ việc về Bình Dương thuê một phòng trọ có mặt tiền đường lớn, mở quán nước bán cho sinh viên và nhân viên môi giới bán đất tại khu vực. Rồi chính anh Phú cũng trở thành một môi giới nhà đất kiêm bán hàng tạp hóa.
Số điện thoại ghi là chủ đất nhưng khi liên hệ lại là của cò đất. Ảnh: Nguyệt An |
Chưa đầy 20 phút ngồi trong quán nước, chúng tôi chứng kiến rất nhiều cuộc gọi của khách hàng hỏi anh Phú về đất đai khu vực Dĩ An (Bình Dương), Thủ Đức, Q.9 (Tp.HCM). Anh cho biết: “Ngày nào khách cũng gọi hỏi về đất. Nhiều khi đang trông quán cũng phải bỏ đấy dẫn khách đi xem. Một tháng cũng được vài nền”. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi về thông tin quy hoạch, đường xá, dự án thì anh Phú “tặc lưỡi”: “À, mấy cái này thì chủ đầu tư nó nắm chứ mình chỉ biết dẫn khách đi xem rồi đưa bản đồ phân lô cho khách chọn nền thôi”.
Những môi giới như anh Phú không phải là hiếm tại các khu vực có dự án phân lô bán nền như Q.Thủ Đức, Hóc Môn, Q.9 (Tp.HCM), tỉnh Bình Dương. Hiện tượng dẫn dắt, cò khách tăng lên từng ngày khi nhà đất đang trong giai đoạn cao điểm của cơn sốt.
Những cò đất nghiệp dư thường lấy sản phẩm từ nhân viên kinh doanh các công ty BĐS để bán cho khách hàng. Hoa hồng sẽ được chia đôi hoặc chia ba (tùy nền). Theo anh Ngọc, nhân viên kinh doanh Công ty BĐS Việt Nhân, thường mỗi nhân viên môi giới tại các công ty sẽ có các cộng tác viên bên ngoài tìm khách. Nếu giao dịch thành công, các bên sẽ cùng chia hoa hồng. Đa phần nhân viên kinh doanh gửi thông tin về sản phẩm cho những cò đất nghiệp dư gần khu vực dự án. Với cò đất nghiệp dư, việc dẫn khách đi xem đất và đón khách vãng lai trở nên thuận tiện hơn so với nhân viên kinh doanh - những người không phải lúc nào cũng có mặt tại dự án.
Đây là điểm tư vấn nhà đất của một anh bán nước ngọt. Ảnh: Nguyệt An |
Các cò đất kiểu cộng tác viên chỉ nắm được thông tin về vị trí, hướng và giá của nền bán còn các thông tin như quy hoạch dự án của quận, hạ tầng giao thông xung quanh hay chiều cao tối đa khi xây dựng nhà trên đất… thì hầu hết đều trả lời qua loa hoặc tư vấn sai lệch thông tin khi được hỏi. Vì thế, rất nhiều khách hàng đã qua nhiều cò đất vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, đành phải đem giấy tờ lên hỏi “ông Quận”.
Trong vai một khách mua đất tại đường Lò Lu, P.Trường Thạnh, Q.9 (Tp.HCM), chúng tôi gõ cửa một nhà có treo biển “Tại đây có bán đất thổ cư giá rẻ”. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ đang chuẩn bị đi giao nước bình cho khách. Người phụ nữ này liến thoắng: “Từ thành phố xuống à, mua đất ở hay đầu tư? Giá đất ở khu này giờ dao động từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng mà không có đất để bán đấy!”. Kế tiếp, người phụ nữ đưa chúng tôi một số giấy tờ đã nhàu về bảng giá, sổ hồng photo và bản đồ phân lô có tô màu những ô đã bán, chưa bán. Nhưng khi chúng tôi hỏi khu đất này được quy hoạch như thế nào, diện tích xây dựng tối đa của nền ra sao thì người phụ nữ qua quýt: “Về quy hoạch để tôi gọi điện hỏi ông này xem sao. Còn xây dựng thì mình cứ xây tự do thôi, thích xây như thế nào tùy mình à!”.
Theo lời kể của một số khách hàng đi mua đất thì tình trạng hết cò này đến môi giới kia chào mời, tư vấn, nhiều khi thông tin không khớp nhau là chuyện thường xuyên xảy ra. Đối với những khách kỹ tính, họ ít tin vào những thông tin do cò đất nghiệp dư cung cấp. Họ cẩn trọng so sánh, cân nhắc và hỏi dò rất nhiều nơi, nhiều người. Những khách hàng dễ tính và có tâm lý mua cho được đất thì đa phần chỉ cần một số thông tin căn bản, đôi khi không rõ là đúng hay sai cũng đã “xuống tiền”.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp cò đất ăn gian với nhân viên công ty, tự ý nâng giá đất để hưởng tiền chênh nhiều hơn trong giao dịch. Rất nhiều khách mua đất tại khu vực Q.9 phàn nàn về tình trạng cùng diện tích trong một khu dân cư nhưng mua phải nền có giá cao hơn nền khác đến cả 100 triệu đồng.
Một chủ doanh nghiệp BĐS tại Q.9 chia sẻ : “Bán bất động sản là bán thông tin. Sự thiếu chuyên nghiệp, tư vấn đại khái, thông tin mù mờ của một số cò đất khiến khách hàng phải tiếp cận những nguồn tin không chất lượng, không đáng tin tưởng, trực tiếp tác động đến cơ hội sở hữu sản phẩm tốt nhất của khách”.
Nguyệt An
(Theo Tuổi trẻ Online)