Khi môi giới bán “đá sân” cho thuê…
Tại thị trường bán, thực trạng môi giới nhiều tháng, thậm chí nửa năm không chốt được căn hộ là chuyện phổ biến trong nghề. Trong khi đó, tại thị trường thuê, số môi giới rơi vào cảnh “trắng tay” thời gian dài không nhiều.
Trên thực tế, nhiều môi giới bán đã “đá sân” sang môi giới cho thuê nhằm tạo nguồn thu thường xuyên và tránh tình trạng “trắng tay” khi thị trường trầm lắng.
Thị trường cho thuê căn hộ tại Việt Nam rất tiềm năng do tỷ lệ dân số trẻ cao và lượng người nước ngoài đến làm việc ngày càng đông đảo. Nhu cầu thuê căn hộ gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo khảo sát dựa trên hành vi người dùng của Batdongsan.com.vn – website có lượng truy cập số 1 Việt Nam và đứng đầu Đông Nam Á, lượt tìm kiếm thuê căn hộ chung cư đã tăng từ 19% năm 2015 lên 21% trong năm 2016.
Tại thị trường bán, thực trạng môi giới nhiều tháng, thậm chí nửa năm không chốt được căn hộ là chuyện phổ biến trong nghề |
Từ sau Tết Nguyên đán, nguồn thu của anh Hoàng Tiến Nghĩa, nhân viên môi giới phân khúc cao cấp một sàn giao dịch tại quận Hai Bà Trưng, đến từ hoa hồng môi giới cho thuê 2 căn hộ. Ở phân khúc bán, sau Tết, anh vẫn chưa chốt được căn nào. Theo anh Nghĩa, hoa hồng từ môi giới cho thuê không lớn nhưng thường xuyên hơn so với bán, giúp anh trang trải cuộc sống hàng ngày và có chi phí đầu tư cho phân khúc bán. Anh Nghĩa bắt đầu “kiêm” môi giới cho thuê từ giữa năm ngoái khi nhận ra nhu cầu thị trường lớn và tỉ lệ chốt hợp đồng thành công cao hơn so với bán.
Bắt đầu làm môi giới từ cuối năm 2014, anh Trần Như Tâm, môi giới chung cư thuộc văn phòng môi giới Thanh Xuân cho biết: “5 tháng đầu khi mới vào nghề, tôi không chốt được căn hộ nào. Mức lương cứng hàng tháng rất thấp, không “thấm” so với chi phí bỏ ra để hành nghề. Đến tháng thứ 4, khi có ý định bỏ cuộc, nghe lời khuyên của bạn, tôi làm thêm môi giới cho thuê. Hơn 1 tháng vào nghề, tôi đã chốt được hợp đồng. Hợp đồng đầu tiên này giúp tôi có động lực hơn”. Thời điểm đó, anh Tâm xác định môi giới cho thuê là bước đi “lấy ngắn nuôi dài” trong định hướng theo đuổi nghề môi giới. Thế nhưng, sau gần 2 năm trong nghề, cùng với môi giới bán, môi giới cho thuê không còn là “cứu cánh nhất thời” mà trở thành 1 trong những nguồn thu chính của anh.
Chị Ngọc Hoa (Cống Vị, Ba Đình), một môi giới tự do có 7 năm trong nghề cho biết trong giai đoạn thị trường BĐS trầm lắng 2011 -2013, môi giới cho thuê là “phao cứu sinh” của chị. “Giai đoạn thị trường đóng băng, nhiều sàn đóng cửa, nhiều môi giới bỏ nghề, việc tạm thời rẽ sang môi giới cho thuê là hướng đi đúng đắn, giúp tôi vẫn bám trụ được với nghề đến nay”.
Dù dễ cho thuê và mang lại nguồn thu thường xuyên hơn nhưng số môi giới cho thuê lại không nhiều như môi giới bán. Nguyên nhân là hoa hồng cho thuê không lớn, thường là nửa tháng hoặc 1 tháng tiền thuê nhà (môi giới bán là 1-2% giá trị căn hộ). Môi giới cho thuê cũng hiếm khi được nhận trọn vẹn hoa hồng 1 lần mà rải rác nhận nhiều đợt theo tiến độ thanh toán tiền nhà của khách. Nhiều trường hợp, khách phá hợp đồng trước thời hạn, môi giới cũng mất luôn khoản hoa hồng còn lại. Không phải môi giới nào cũng mặn mà với sự “lắt nhắt” này.
Môi giới cho thuê chung cư - lựa chọn của môi giới mới vào nghề
Nhiều môi giới trẻ chập chững vào nghề đã chủ động lựa chọn “cho thuê”. Bên cạnh tiềm năng thị trường, khả năng chốt hợp đồng thành công cao thì kiến thức cho thuê cũng không phức tạp như bán.
Ở môi giới bán, các kiến thức chuyên môn về bất động sản, các kĩ năng, luật pháp đều được yêu cầu cao hơn, sâu hơn. Trong khi đó, với môi giới cho thuê, kiến thức và kỹ năng xoay quanh thông tin cho thuê chính chủ, đăng tin, tư vấn khách hàng, hợp đồng, thông tin khu vực, đặc điểm loại hình bất động sản.
Những điểm trên khiến Tống Minh Tuấn, sau khi tốt nghiệp khoa Tài chính Ngân hàng của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội quyết định chọn môi giới cho thuê. Tuấn xác định rõ giai đoạn cho thuê sẽ là bước đệm để tìm hiểu sâu về thị trường, pháp luật và các kĩ năng trong nghề. Sau 2 tháng vào nghề, đến nay, đều đặn hàng tháng, Tuấn môi giới thành công ít nhất 1 đến 2 căn hộ. Tuấn dự định sau khi thành thạo lĩnh vực cho thuê sẽ “lấn sân” sang phân khúc bán.
Bên cạnh tiềm năng thị trường, khả năng chốt hợp đồng thành công cao thì kiến thức cho thuê cũng không phức tạp như bán |
Không ảo tưởng về mức thu nhập “khủng” của nghề môi giới, khá nhiều môi giới trẻ bước chân vào nghề cũng chọn hướng đi như Tuấn.
Anh Hoàng Tiến Nghĩa khi “dìu dắt” em trai vào nghề cũng hướng em mình làm môi giới cho thuê trước. “Thị trường cho thuê không khốc liệt như thị trường bán giúp những môi giới mới vào nghề không dễ rơi vào cảnh chán nản, bi quan. Kiến thức và kĩ năng thu nhận được khi làm cho thuê sẽ là nền tảng quan trọng nếu em tôi có ý định theo đuổi nghề này theo hướng chuyên nghiệp và lâu dài”.
Cũng theo anh Nghĩa, nhiều môi giới lão luyện ở phân khúc thuê thu nhập hàng tháng “khủng” không kém hoa hồng một hợp đồng của môi giới bán. “Dù là bán hay thuê, thì sự quyết định thành bại của môi giới đều nằm ở kiến thức chuyên môn, kĩ năng và sự “máu lửa” với nghề”, anh Nghĩa nhấn mạnh.
Thúy An
(Theo Tuổi trẻ Online)