Hỗ trợ đăng tin: 0867.047.555 | 0236.28.28.147 | Email: nhadatviet247.net@gmail.com | Skype: nhadatviet247
+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google
Môi giới cho thuê:Gay gắt cạnh tranh với môi giới tự phát(kỳ 2 )
Cập nhật: 10:45 28/03/2017

Hiện thị trường cho thuê căn hộ là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa môi giới chuyên nghiệp (môi giới chuyên cho thuê, môi giới bán “đá sân” cho thuê) và các môi giới tự phát.

Nở rộ “môi giới tự phát”

Thị trường thuê tiềm năng, tỉ lệ chốt hợp đồng thành công cao khiến phân khúc này hút một lượng lớn môi giới chuyên nghiệp và tự phát tham gia.

Nếu nguồn cung căn hộ ở phân khúc bán luôn dồi dào do các dự án liên tục bung hàng thì ở phân khúc cho thuê, môi giới “vất vả” hơn trong việc khai thác, tìm kiếm nguồn cung chính chủ.

Thành phần “môi giới tự phát”, tức các “cò nhà đất” cho thuê đông đảo nhất hiện nay chủ yếu là các đối tượng làm công việc bảo vệ, lễ tân, lao công, thành viên ban quản lý các tòa nhà. Do tính chất công việc, các cò không phải nhọc công tìm kiếm nguồn cung. Họ nắm rõ “lai lịch” từng căn hộ trong toà nhà, biết căn hộ nào cho thuê, căn hộ nào bán. Tuy nhiên, hạn chế của họ là không có được nguồn khách dồi dào. Họ chỉ trông chờ khách đến hỏi thuê trực tiếp hoặc qua các mối quan hệ.

môi giới cho thuê chung cư
Sự cạnh tranh giữa môi giới chuyên nghiệp và các môi giới tự phát ngày càng gay gắt

Sự cạnh tranh giữa môi giới chuyên nghiệp và các môi giới tự phát ngày càng gay gắt. Chị Nguyễn Thị Miên, môi giới căn hộ tại các địa bàn quận Thanh Xuân, Từ Liêm, Hà Đông kể: “Một lần tôi dẫn khách đến xem căn hộ ở Phùng Khoang, biết tôi là môi giới, bảo vệ tòa nhà nói luôn đây là địa bàn làm ăn của anh ta và gây khó dễ trong việc đưa khách lên xem nhà. Bức xúc trước sự phi lý đó, tôi buộc phải gọi chủ nhà xuống giải quyết”.

Anh Đỗ Tất Thắng, môi giới cho thuê căn hộ tại Cầu Giấy, Đống Đa cho biết có lần anh gọi điện hẹn chủ nhà thời gian khách xem nhà. Trong lúc anh và khách đang trên đường đến thì lao công của tòa nhà cũng dẫn khách lên. Khách của lao công ưng căn hộ nên chốt đặt cọc luôn. Chủ nhà gọi điện báo lại, anh Thắng và khách của mình đành ngậm ngùi quay về.

Tình trạng bảo vệ, lao công “tay ngang” làm môi giới diễn ra phổ biến ở những chung cư tầm trung, giá rẻ. Tại các chung cư hạng sang, cao cấp – nơi người nước ngoài hay tìm thuê thì môi giới tự phát chủ yếu là lễ tân, thành viên ban quản lý tòa nhà. Những môi giới tự phát này “sành sỏi” hơn bảo vệ, lao công ở chỗ họ biết sử dụng Internet để tìm kiếm khách hàng. “Họ cũng đăng tin và biết mua các gói đăng tin trên các trang thương mại điện tử về bất động sản để tìm khách”, anh Đỗ Tất Thắng cho hay.

Ngoài ra, họ còn biết móc nối với các hướng dẫn viên du lịch, các phiên dịch viên, nhân viên các tổ chức NGO – những người thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài để tăng nguồn khách. Chị Nguyễn Minh X – lễ tân 1 tòa nhà cao cấp trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết khi có căn hộ cần cho thuê, chị bắn tin đến nhóm này. Với mỗi giao dịch thành công, phí môi giới được chia đôi.

Những cuộc bắt tay “cơm không lành”…

Trên thực tế, ý thức được lợi thế của mỗi bên, nhiều môi giới chuyên nghiệp và “cò đất” tại các chung cư đã cùng “bắt tay” hợp tác. Tuy nhiên, chính quá trình kết hợp này, hai bên nảy sinh nhiều bất đồng hoặc những rủi ro không mong muốn.

Anh Nguyễn Văn Thưởng, môi giới chung cư  các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy cho biết môi giới chuyên nghiệp chỉ nhận hoa hồng từ chủ nhà khi giao dịch thành công. Thế nhưng, phần lớn môi giới tự phát thì thu cả phí xem nhà của khách dù họ không thuê. “Mỗi lần xem, dù thuê hay không, khách phải mất từ 100 đến 300 ngàn cho các cò. Tôi yêu cầu bỏ điều này nếu cùng hợp tác nhưng chỉ có số ít cò đồng quan điểm”.

Ngoài ra, không dưới 2 lần, anh Thưởng bị các môi giới tự phát “cắt cầu” (bùng tiền). Lần gần đây nhất, khi khách đặt cọc và kí hợp đồng 1 căn hộ tại Trung Văn (Từ Liêm), chủ nhà hẹn anh và bảo vệ quay lại nhận phí môi giới sau. Đến ngày lấy hoa hồng, anh mới hay bảo vệ lấy lí do có việc gấp nên đã gặp chủ nhà lấy trước. Sau đó môi giới tự phát này lặng lẽ “ôm hoa hồng môi giới” rồi nghỉ việc.

môi giới cho thuê chung cư
Ý thức được lợi thế của mỗi bên, nhiều môi giới chuyên nghiệp
và “cò đất” tại các chung cư đã cùng “bắt tay” hợp tác

Anh Võ Khắc Phan, môi giới chung cư tại một văn phòng nhà đất quận Thanh Xuân nhớ lại, cách đây hơn 1 năm, anh nhận được điện thoại của một nữ phiên dịch viên, hỏi thuê nhà cho đồng nghiệp người Nhật. Biết anh có sẵn nguồn hàng, nữ phiên dịch đề nghị hợp tác và chia hoa hồng. Sau khi vị khách Nhật chốt thuê căn hộ tại chung cư Long Giang (Cầu Giấy), để tránh các thủ tục rườm rà liên quan đến người nước ngoài, cô ta nhận đứng tên người thuê và đưa ra 2 bản hợp đồng. Một bản có giá 10 triệu (giá cho thuê thật) và 1 bản giá 650 USD. Bản 650 USD sẽ được đưa lại cho vị khách Nhật. Hoá ra, nữ phiên dịch viên không chỉ muốn hưởng hoa hồng “ăn chia” mà còn muốn ăn chênh tiền thuê nhà của đồng nghiệp. Anh Phan đã tác động để chủ nhà không đồng ý kí 2 bản hợp đồng đó. Vì chuyện này giữa anh và cò đất xảy ra cự cãi.

Sự nở rộ của các môi giới tự phát đi kèm lối làm ăn chộp giật khiến thị trường cho thuê trở nên thiếu chuyên nghiệp và minh bạch, định kiến về nghề môi giới nhà đất càng trở nên nặng nề. Trong cuộc nở rộ này, không chỉ môi giới chuyên nghiệp mà người đi thuê cũng là người gánh những bất lợi nảy sinh.

Thúy An
(Theo Tuổi Trẻ Online)

 

 

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng