Hỗ trợ đăng tin: 0867.047.555 | 0236.28.28.147 | Email: nhadatviet247.net@gmail.com | Skype: nhadatviet247
+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google
Dễ dãi trong tách thửa đất tại Hóc Môn: Miếng bánh béo bở!
Cập nhật: 08:12 15/03/2016

Lợi dụng chủ trương trong Quyết định số 33 của Tp.HCM, nhiều cò đất đã gom mua đất nông nghiệp tại huyện Hóc Môn rồi 'phù phép' thành dự án, phân lô bán nền.

Đâu là nguyên nhân khiến Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, Tp.HCM bị đánh giá là gây mất đoàn kết nội bộ, để rồi sau đó phải 'tố' mình bị cô lập bởi một nhóm lợi ích? Đó là nội dung chính của những câu hỏi mà bạn đọc gửi về Báo Người Lao Động trước vụ việc Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, ông Nguyễn Cư, bất ngờ trần tình trước cuộc họp phòng chống tham nhũng mới đây của Thành ủy Tp.HCM rằng chính bản thân ông cũng bị một nhóm người quy kết gây mất đoàn kết nội bộ.

Đi ngược chủ trương của thành phố

Theo tài liệu thu thập được của PV Báo Người Lao Động, ngày 25/2/2009, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 19 quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa tại thành phố. Ngày 15/10/2014, Quyết định số 33 được thành phố ban hành thay cho Quyết định số 19. Sau khi có chủ trương này, các quận - huyện trên địa bàn Tp.HCM đã tiến hành thực hiện việc tách thửa, phân lô. Thế nhưng, dường như ở đây đã có sự 'nhầm lẫn'!

đất Hóc Môn
Một khu đất mang danh 'dự án' rộng hàng ngàn m2 đất nằm trơ trọi tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Ảnh: Đức Nam

Quyết định số 33 của UBND Tp.HCM với chủ trương là giúp các địa phương có thêm phương án giải quyết cho người dân. Cụ thể việc nhiều hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở muốn được tách thửa, chứ không có chuyện đồng thuận cho việc dựa vào đó để kinh doanh BĐS. Trên thực tế, nội dung quyết định cũng không thể hiện điểm nào hướng dẫn việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng nhà đất để kinh doanh địa ốc. Tuy nhiên, kể từ sau khi thành phố ban hành chủ trương, tại một số địa phương, các “cò” BĐS bắt đầu tiến hành gom mua đất nông nghiệp, sau đó tìm cách 'phù phép' thành những 'dự án phân lô, bán nền.

Có tới hàng ngàn m2 diện tích đất nông nghiệp tại địa bàn Hóc Môn, bằng cách này hay cách khác, đã được chính quyền địa phương 'mở cửa' thành những 'dự án đất nền bán lẻ' một cách… đường đường chính chính. Theo nhiều nguồn tin mà PV có được, đây là cơ hội hái ra tiền cho các nhà đầu tư và những đối tượng có liên quan đến việc làm ăn này.

Mở 'đường sống' cho đầu nậu

Qua xác minh, PV được biết trong quá trình thực hiện chủ trương theo Quyết định số 33 của UBND Tp.HCM, đến thời điểm cuối tháng 11/2015, UBND huyện Hóc Môn đã tổng kết được hơn 200 hồ sơ với hơn 2.000 nền, tương ứng gần 300.000 m2 diện tích đất ở và hơn 2.000 sổ đỏ đã được cấp. Ngoài ra, từ trước năm 2014, đã có quy định bắt buộc những khu đất rộng trên 2.000 m2 thì chủ đầu tư phải lập dự án đầu tư với cơ sở hạ tầng giao thông theo quy định.

Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế, ở các xã thuộc huyện Hóc Môn như Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Thới Tam Thôn hay Bà Điểm… lại đang xuất hiện khá nhiều 'dự án' nhà bán phân lô trên 2.000 m2 phục vụ mục đích kinh doanh. Điều đáng nói là, tất cả các dự án này đều không bảo đảm các tiêu chí bắt buộc về cơ sở hạ tầng giao thông đi kèm thế nhưng chính quyền huyện Hóc Môn vẫn chấp thuận cho tách thửa, phân lô.

Ngày 10/3 vừa qua, PV đã trực tiếp có mặt tại một số 'dự án' với diện tích hàng ngàn m2, được cho là có liên quan đến việc UBND huyện Hóc Môn chấp thuận cho tách thửa, phân lô. Trong đó, thực tế tại một 'dự án' nằm tại ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn khiến PV không khỏi ngỡ ngàng: giữa cánh đồng trơ trọi chỉ có vài căn nhà đã xây dựng trên nền đất được phân sẵn. Mọi thứ liên quan đến cơ sở hạ tầng xung quanh khu đất khá thô sơ nếu không muốn nói là tuềnh toàng. Tại một số địa điểm khác, PV cũng ghi nhận hiện trạng tương tự.

Một số nhà thầu trên địa bàn huyện Hóc Môn cho biết, sở dĩ có việc các đầu nậu BĐS chen chân đầu tư vào đất nông nghiệp là do đến cuối năm 2015 khi UBND Tp.HCM không cho phép tách thửa đất nông nghiệp thành nhiều thửa đất nhỏ khác nhau thì các chủ đầu tư đổi sang phương án để nguyên lô đất nông nghiệp lớn rồi sau đó phân nền. Cùng với việc một số địa phương vô tình hoặc cố ý 'hiểu sai' chủ trương trong Quyết định số 33 của UBND TP đã tạo 'đường sống' cho các thủ đoạn đầu tư BĐS tại đây.

Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, đúng là có một số cán bộ, công chức đã hiểu chưa đúng hoặc cố tình hiểu sai nội dung của Quyết định số 33. Điều này dẫn đến việc giải quyết tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chuyển nhượng, kinh doanh, gây ảnh hưởng về quản lý quy hoạch của địa phương cũng như của thành phố.

Tiền trảm hậu tấu?

Theo tài liệu mà PV Báo Người Lao Động có được, ngày 27/11/2015, UBND huyện Hóc Môn có báo cáo gửi Thường trực UBND Tp.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện Quyết định số 33 do ông Lê Tuấn Tài, Chủ tịch UBND huyện, ký. Theo báo cáo này, toàn huyện Hóc Môn hiện chỉ có một số tuyến đường có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh nên khi giải quyết hồ sơ tách thửa đất hình thành giao thông theo Quyết định số 33, nếu đem so với quy định trong quyết định này thì… không thể thực hiện được. Còn giải thích lý do việc chuyển nhượng, kinh doanh BĐS thì huyện Hóc Môn vin vào Luật Kinh doanh BĐS để khẳng định hộ gia đình, cá nhân vẫn có quyền kinh doanh BĐS nhằm giải quyết việc tách thửa, phân lô tại địa phương (?).

Một số nguồn tin cho rằng, đây cũng là một cách làm theo kiểu 'tiền trảm hậu tấu', thực hiện xong rồi mới báo cáo. Trong khi đó, hồi cuối tháng 1/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đã có văn bản phản hồi số 142, thể hiện nội dung không đồng tình với lý giải của UBND huyện Hóc Môn. Sự việc sau đó được đưa lên cao trào khi ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn, chỉ đạo làm rõ những bất ổn nêu trên.

(Theo Báo Người lao động)
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên đăng nhập
Email
Gửi Đóng