Tuy không đứng đầu về số lượng dự án nhà ở thương mại, nhưng địa bàn quận Thanh Xuân lại sở hữu đông đảo các dự án chung cư cao cấp lẫn liền kề chia lô, biệt thự với giá trị nhiều tỷ đồng/sản phẩm.
Cụ thể, bên cạnh các tổ hợp đã hoàn thiện hoặc sắp đưa vào phục vụ cư dân như Hei Tower, Hapulico Complex, Phú Gia Residences, Sakura Tower, Diamond Flower Tower, Golden Westlake, Star City Lê Văn Lương,… còn rất nhiều dự án đang nhộn nhịp công trường với ngày về dài hạn. Chẳng hạn như TimeTower, 21 Lê Văn Lương, GoldenWest, HudTower, HandiResco Lê Văn Lương...
Thực đơn đã sẵn sàng
Trong thời gian gần đây, tốc độ “mọc” lên của dự án tại con đường Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân đang gia tăng rõ rệt. Sau Imperia Garden của Hòa Bình M.I.K, Mỹ Sơn Tower, giờ tới lượt 47 Nguyễn Tuân (dự án GoldSeason), AquaSpring 282 Nguyễn Huy Tưởng (công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội), tổ hợp liền kề HDI Nguyễn Tuân (công ty CP Đầu tư & Phát triển nhà số 7 Hà Nội), ồn ào trên thị trường giao dịch.
Theo thông tin ban đầu, nguồn hàng BĐS cao cấp trong tương lai ở vùng lõi quận nội đô Thanh Xuân dự kiến khá dồi dào. Tại tam giác Nguyễn Tuân – Nguyễn Huy Tưởng – Ngụy Như KonTum, chỉ riêng “Vườn trong phố” đã đóng góp hơn 7.500m2 đất ở thấp tầng (4 tòa tháp cao 27-29 và 35 tầng), gần 8.800m2 đất xây dựng công trình nhà ở cao tầng với dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2017.
Mặc dù chưa "mọc" lên khỏi mặt đất, nhưng GoldSeason (được tung hô là “Manhattan trong lòng Hà Nội”) đã được rất nhiều cá nhân môi giới đẩy mạnh khâu PR trước khi ra mắt chính thức.
GoldSeason được mô tả cụ thể: Quy mô 4 tòa nhà cao từ 27-35 tầng; diện tích căn hộ 64-108m2; chủ đầu tư là công ty CP BĐS Mùa Đông – VID; TNR Holdings Việt Nam quản lý và phát triển; đối tác tài chính chiến lược MaritimeBank;…
Dự kiến, năm 2018 Tổ hợp này sẽ về đích. Trên website goldmarkcityhanoi.com.vn, dự án được chào “nhận đặt cọc mua căn hộ” với giá khởi điểm 1,9 tỷ đồng.
Đường vẫn tắc và đề xuất vẫn chỉ là đề xuất, khách hàng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt!? |
Có chút kém náo nhiệt hơn (do đặc thù giá trị lớn), dự án HDI Nguyễn Tuân mang tới dòng sản phẩm nhà ở thấp tầng (diện tích 97 – 108m2). Chỉ vỏn vẹn 20 lô nhà ở thấp tầng (kèm theo các hạng mục cây xanh và đường giao thông nội bộ), nhưng Tổ hợp ít nhiều trở nên “hiếm” với khách hàng ưa cuộc sống mang dáng dấp “thổ cư”. Được biết, giá giao dịch thứ cấp mỗi biệt thự – liền kề nơi đây xấp xỉ ngưỡng 120 triệu đồng/m2 (tiền xây thô tính riêng, tùy hướng, vị trí).
Hay “đắt xắt ra miếng” cũng được ghi nhận tại dự án biệt thự liền kề 53 Triều Khúc (quận Thanh Xuân) hay cuối năm 2014- đầu 2015 là chung cư thương mại Diamond Blue Triều Khúc…
Ác mộng tắc đường khi nào dứt?
Nếu như việc tắc nút giao Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển được "đổ lỗi" cho công tác thi công đường sắt trên cao hoặc lệnh cấm đường bất chợt của cơ quan chức năng, thì ác mộng “tắc ngay cửa chung cư” đã liên tục diễn ra ở nội khu Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân.
Bà Hoa, một người dân đã sinh sống ở Hà Nội qua nhiều thế hệ cho biết, nếu muốn trải nghiệm Hà Nội ngột ngạt như thế nào, chỉ cần di chuyển một vòng từ Vũ Trọng Phụng – Ngụy Như Kon Tum – Nguyễn Tuân – Nguyễn Trãi là đủ.
Thực tế, ngoại trừ dịp nghỉ lễ kéo dài (như Tết Nguyên đán) thì khu vực này thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông. Nhất là trong khoảng thời gian từ 17h đến 19h, di chuyển từ Nguyễn Trãi xuống nút giao với Nguyễn Xiển cực kỳ gian nan vì tắc cục bộ tại điểm đấu nối với Nguyễn Tuân.
Tương tự, nếu muốn trở về căn hộ của mình ở giữa đường Vũ Trọng Phụng, không ít người đã phải đi đường vòng Giáp Nhất – Lê Văn Lương (thay vì chờ đợi dài cổ ở điểm giao cắt Nguyễn Trãi – Vũ Trọng Phụng).
Cũng như vậy, việc dòng xe – người đi bộ chen nhau từng centimet mỗi lúc tan tầm ở Triều Khúc đã trở nên quá quen thuộc với những ai sinh sống ở địa bàn này.
Thế nên, một khi các dự án quy mô, đẳng cấp ấy về đích (trong 2-3 năm tới), thì chắc chắn rằng mật độ dân số và áp lực hạ tầng giao thông sẽ gia tăng gấp bội. Kéo theo đó, bài toán tắc đường, giải quyết úng ngập mùa mưa bão đã gian nan, lại càng khó giải.
Tuy nhiên, theo nhiều môi giới địa ốc, điều này sẽ không còn là “mối lo” với cư dân tương lai (khách hàng dự án), vì Hà Nội đang có nhiều bản quy hoạch hạ tầng giao thông chuẩn bị về đích.
Theo nguồn tin chính thống, cuối tháng 7/2015, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã xây dựng danh mục các công trình trọng điểm trên địa bàn và đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét, chấp thuận thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2020.
Theo đó, trong đề xuất xây dựng 4 tuyến đường giao thông trọng điểm có xuất hiện dự án cải tạo và mở rộng theo quy hoạch phố Nguyễn Tuân; đầu tư tuyến đường đi qua Liên danh ô tô Hoà Bình nối phố Triều Khúc; cải tạo và mở rộng theo quy hoạch phố Vũ Trọng Phụng;….
Có thể thấy, đây chính là những tuyến đường đóng vai trò giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực Lê Văn Lương – Ngụy Như KonTum – Vũ Trọng Phụng hay Triều Khúc. Song câu hỏi cần đặt ra là liệu các đề xuất nêu trên của quận Thanh Xuân với TP. Hà Nội có được phê chuẩn và thực hiện đúng dự kiến (đều trong giai đoạn 2015-2018) hay không?
Trong khi chỉ 2-3 năm tới, các dự án hoành tráng, quy mô lớn nêu trên cũng sẽ về đích. Tới lúc ấy, đường vẫn tắc, còn đề xuất vẫn chỉ là đề xuất thì khách hàng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt!?